Thứ Năm, 8 tháng 5, 2008

Bóng người trong sương mù

Viết theo chuyện một người bạn kể lại Nhất Linh

Ở ngoài, đêm tối như mực. Trong toa hạng nhì, riêng tôi ngồi đối diện với Trạch, một người bạn cũ, tình cờ gặp vì cùng đi một chuyến xe. Mười năm trước, bạn tôi còn là một người cầm lái xe lửa, cũng hàn vi như tôi: bây giờ lại gặp nhau trong toa hạng nhì, hai người cùng ngạc nhiên và cùng mừng cho nhau.

Lúc nói chuyện, tôi thấy bên bạn có cái hộp khảm rất đẹp, liền cầm lấy xem, rồi tình cờ mở hộp ra; bạn tôi như có ý không bằng lòng, nhưng vì nể tôi nên không nói gì. Tôi nhìn vào hộp thấy rất lạ: hộp bịt kín, ở trong có một con bướm rất to, hai cánh đã xơ xác. Tôi hỏi bạn:

- Con bướm này vùng tôi thường thấy luôn, quý gì mà anh giữ cẩn thận thế này?

- Vâng, bướm thường, nói cho đúng thì chính là một con ngài, nhưng đối với tôi...

Vừa nói đến đấy, xe rầm rập đi qua một cái cầu sắt. Bạn tôi lắng tai nghe rồi nói:

- Xe đi qua cầu N.G... Tôi bắt con bướm chính ở giữa cái cầu này đã mười năm nay...

Thấy bạn có vẻ khác, tôi đoán có chuyện gì, liền hỏi:

- Con bướm này chắc cũng có sự tích gì đây?

- Vâng, những sự tích buồn... chuyện đã ngoài mười năm: mười năm trước độ anh đi Sài Gòn thì tôi còn là anh cầm lái tàu hỏa. Chính độ ấy tôi chạy con đường này, tình cảnh tôi độ ấy anh đã rõ.

- Cũng như tình cảnh tôi...

- Nhưng có một việc tôi không nói anh hay là độ ấy tôi có lấy một người vợ, nhưng giấu nhà, giấu mọi người, giấu anh. Chúng tôi sống trong cảnh nghèo khổ mà thật lấy làm sung sướng. Nhưng vì cảnh nghèo, vì nhà tôi không quen chịu được kham khổ nên người một ngày một yếu dần.

Về sau, nhà tôi bị bệnh nặng mà tôi thì vẫn phải đi làm, không ai trông nom ở nhà. Một đêm nhà tôi yếu quá ngất người đi mấy lần, mà chính đêm ấy là đêm tôi được ông Chánh cử đi cầm lái chuyến xe riêng chở quan toàn quyền. Thật là một dịp rất hay cho tôi. Nhưng tôi biết không thể nào đi được, liền vào thưa với ông Chánh, nói là vợ ốm. Ông Chánh đập bàn, đập ghế, gắt:

- Tôi không biết! Một là mười giờ đêm nay anh phải có mặt ở ga, hai là từ giờ này trở đi anh đừng bước chân tới đây nữa. Thôi anh ra.

Lời ông Chánh nói quả quyết, tôi phân vân không biết nghĩ sao: lúc về nhà, ngồi ở đầu giường, nhìn đến vợ mới biết rằng không đi được, dầu có mất việc làm cũng không cần.

Nhà tôi thấy tôi có vẻ lo nghĩ, hỏi duyên cớ vì sao, tôi liền đem việc ấy kể cho nhà tôi nghe. Nhà tôi nghe xong, vẻ mặt tươi hẳn lên, bảo tôi rằng:

- Thế cậu đi chứ! Việc gì phải ngần ngừ! Tôi không việc gì đâu, đã thấy đỡ nhiều. Chiều mau về mua cái gì làm quà cho tôi đấy.

Tôi thấy nhà tôi cười nói vui vẻ, tôi vững tâm, thay quần áo ra ga. Ðến ga đúng mười giờ. Nhưng khi cho xe chạy rồi tôi mới thấy lo, tôi mới biết là tôi liều. Lúc đó tôi có cái cảm giác lạ lắm: hình như tôi đi thế này, lúc về chắc không nhìn thấy mặt vợ nữa. Tôi cố định trí để cầm máy, nhưng chỉ được một lúc thôi.

Bỗng cả chuyến xe lửa nghiêng về một bên, rồi lắc lư như muốn đổ. Người "ét" của tôi vội bỏ cái xẻng xúc than, níu lấy tôi nói:

- Ô hay! Hôm nay ông làm sao thế? Chỗ ấy đường cong nguy hiểm thế mà ông không hãm máy. Ông ngủ à?

Tôi không ngủ nhưng người tuy ở đây mà trí còn nghĩ đến người vợ nằm đợi chết một thân, một mình trong gian nhà nhỏ kia. Mắt tôi hoa lên, mồ hôi ra ướt đẫm cả người.

Xe đi vào khe núi, hết lên cao lại xuống thấp như có vẻ nhọc nhằn. Tôi thò đầu ra cửa nhìn thẳng trước mặt, nhưng đêm ấy sương mù đầy trời, không nhìn rõ gì cả, chỉ một mầu trắng xóa dưới ánh hai cái đèn ở đầu toa. Bỗng tôi thấy... rõ ràng, tôi thấy in trên sương mù một cái hình người đàn bà mặc áo rộng đứng dang tay. Tôi dụi mắt tưởng mình trông hoảng, nhưng không, hình người đàn bà vẫn đấy. Tôi gọi người "ét" lại cửa toa, bảo ông ta nhìn, rồi hỏi:

- Bác có thấy gì không?

Vừa nói xong hình người vụt biến mất. Bác "ét" thò đầu ra và bảo tôi:

- Chỉ thấy sương mù! Ông lại mê ngủ rồi.

- Không, rõ ràng tôi thấy có hình người đàn bà in trên sương mù nhưng vừa biến mất.

Người "ét" cười ra vẻ không tin, lấy xẻng xúc than cho vào lò, còn tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ đăm đăm nhìn thẳng trước mặt. Ðược một lát, hình người đàn bà lại hiện ra, lần này rõ ràng hơn, hai tay vẫn dang thẳng như muốn ngăn đường không cho xe chạy lên nữa.

Tôi gọi người "ét" nhưng bác ta làm bộ không nghe thấy, cứ cắm đầu xúc than cho vào lò. Tôi biết tôi không mê, tôi biết là cái hình người ấy có thật, mà ai nhìn cũng phải thấy. Tôi đến cầm lấy tay bác "ét" kéo bác ra xem rồi bảo, cả quyết:

- Nhìn xem!

Bác ta há hốc mồm giương to đôi mắt hốt hoảng nói:

- Lạ thật!... Ma ông ạ!

Xe tiến đến đâu, cái hình người lui đến đấy, có lúc mờ, có lúc rõ, lơ lửng giữa lưng chừng trời.

Rồi cái hình người ấy vẫy hai tay một cách thong thả, như có ý bảo chúng tôi đừng tiến lên nữa, có sự gì nguy hiểm.

Tôi bảo bác "ét":

- Bác này, có sự gì lại sắp xảy ra.

- Vâng, sao cái hình lại như lấy tay làm hiệu bảo ta đứng lại.

Cái hình người trước còn vẫy tay thong thả, sau vẫy thật nhanh như người tỏ ra ý thất vọng vì bảo chúng tôi không nghe.

- Hay ta dừng xe lại xem sao, chắc là ma!

- Không được, tự nhiên vô cớ.

Còn tôi lúc bấy giờ hai tai ù như người mất trí khôn; tôi văng vẳng nghe có tiếng người ở thật xa đưa lại, tiếng một người đàn bà bảo tôi:

- Ðỗ lại! Ðỗ lại!

Tôi lắng tai, tay nắm chặt lấy cái "phanh" như định hãm rồi lại không dám hãm.

Một lát, tôi lại nghe tiếng người đàn bà, rõ hơn lần trước, giục tôi:

- Hãm lại! Hãm lại ngay!

Lúc bấy giờ tôi không biết gì nữa, nhắm mắt hãm phanh lại thật mạnh. Các toa rùng một cái, bánh xe kêu rít lên trong đêm thanh vắng. Xe chạy từ từ một quãng rồi đỗ hẳn. Tôi chưa kịp bước xuống, đã thấy người "xếp tanh" cầm đèn chạy lên hỏi:

- Việc gì thế?

Tôi luống cuống không biết trả lời làm sao, vì nói thật ai tin mình. Tôi trả lời một cách mập mờ.

- Chắc có sự gì lạ. Ðể tôi cầm đèn đi xem đã.

Lúc bấy giờ mấy ông quan hầu quan toàn quyền cũng vừa đến, rồi thấy lạ, đi theo chúng tôi. Vừa đi được một quãng thì nghe trước mặt có tiếng nước chảy ầm ầm. Tôi định tâm mới nhớ ra rằng đó là cầu N.G.

Mấy đêm ấy mưa lũ, nước chắc chảy xiết, nên mới réo to như vậy. Ðến bờ sông, giơ đèn lên soi, mấy người đều kinh hoảng: cái cầu N.G. bị nước nguồn chảy về xoáy gãy làm đôi.

Một tí nữa, nếu không hãm kịp thì cả một chuyến xe riêng chở quan toàn quyền đâm nhào xuống sông sâu, chắc không sống sót một ai: tưởng không có cái tai nạn nào ghê gớm hơn, thế mà chính nhờ tôi nên mới không có cái tai nạn ấy. Tôi đứng ngẩn người không hiểu ra sao cả.

Người "xếp tanh" mừng cuống quýt, hỏi tôi:

- Sao ông biết mà hãm?

- Tôi cũng không hiểu.

Mấy người quan hầu có vẻ mừng lộ ra mặt, xúm xít quanh tôi hỏi dồn, tôi không biết trả lời ra sao, một lát, mọi người đứng giãn ra. Quan toàn quyền đến, ngài không nề tôi là người lao động, trong lúc mừng quá, ngài giơ tay bắt tay tôi, cái bàn tay đầy bụi than, rồi ngài tỏ lời khen.

Tôi chắc rồi sau thế nào cũng được trọng thưởng, nhưng trọng thưởng lúc đó đối với tôi cũng như không, tôi chỉ nghĩ đến nhà tôi ở nhà, không biết ra sao. Tôi đi trở lại và thoáng thấy con gì bám ở cái đèn để ở đầu toa, nhìn kỹ thì ra một con bướm thật to, vướng vào đèn đương đập cánh để tìm đường thoát. Chính là con bướm trong cái hộp này đây.

Trông thấy con bướm, tôi thốt nghĩ ra ngay. Chính phải rồi, chính cái hình người đàn bà lúc nãy là cái bóng con bướm này in lên trên sương mù, đầu con bướm là đầu hình người mà hai cánh con bướm đập là hai cánh tay người vẫy.

Tôi bắt con bướm rồi định thả cho nó bay đi; sau nghĩ con bướm đã giúp mình được việc, nên giữ lại làm kỷ niệm. Tôi nhìn vào đồng hồ trong toa, thấy kim chỉ đúng hai giờ đêm...

Hôm sau tôi vừa về tới cổng nhà thì thằng nhỏ chạy ra báo tin nhà tôi mất, mất vào khoảng một giờ đêm qua.

Tôi không tin nhảm; tôi chắc đó chỉ là một sự tình cờ, một sự ngẫu nhiên, nhưng tôi vẫn yên trí là linh hồn nhà tôi đã nhập vào con bướm này để phù hộ cho tôi tránh được tai nạn đêm hôm ấy. Nhưng tránh được tai nạn mà làm gì, tôi thoát được thân tôi mà làm gì, giàu sang phú quý bây giờ đối với tôi cũng như không, tôi cũng chỉ như con bướm này, xác đấy mà hồn tận đâu đâu.

Bạn tôi kể xong câu chuyện, đậy cái hộp khảm lại rồi thẫn thờ nói:

- Bây giờ chỉ còn lại cái xác bướm không hồn.

1937

Bố vợ

Lê Ngọc Minh

Khi tôi quyết định ở rể, những người thân đều rất mừng. Thằng em nói thẳng ra rằng, cái tuổi Tý của tôi đúng là số "chuột sa chĩnh gạo", mà là chĩnh gạo tám thơm, chứ không phải là gạo thường, gạo tấm. Chả là nhà ông nhạc tôi chỉ có hai người con gái. Bà chị lấy chồng xa. Chồng chị là giám đốc sở tài chính ở một tỉnh phía Nam. Ông nhạc tôi là người Hà Nội gốc, có nhà riêng. Mẹ vợ tôi mất khi ông còn ở quân đội. Ðến tuổi 58, ông được nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.

Về hưu rồi, ông ham đọc, ham viết. Lúc nào ông cũng có hai loại sổ: loại thứ nhất, ghi lại những điều hay trong sách vở, trong giao tiếp với người đời; loại thứ hai chép những suy nghĩ của mình trước thế sự hoặc những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp. Cứ chép đầy cuốn, ông cụ lại đánh số rồi chép tiếp cuốn khác. Lâu ngày hình thành hai bộ, mỗi bộ đã có trên mười cuốn. Tính ông nhạc tôi điềm đạm, nói năng chậm rãi, giọng ấm, vui buồn ít lộ ra sắc mặt. Tôi còn nhớ, sau ngày cưới một hôm, cụ gọi vợ chồng tôi ra, bảo tôi cùng ngồi, dặn riêng con gái :"Cúc con, cái quý nhất của người phụ nữ là phẩm hạnh. Chồng có yêu, đời có trọng cũng từ đấy mà ra. Anh Tôn (tức là tôi) bây giờ vừa là chồng, vừa là anh của con. Con hãy ghi nhớ lấy điều đó". Nghe ông cụ nói xong, tôi liền chắp tay thưa:"Chúng con cảm ơn bố", còn vợ tôi vội tiếp lời :"Con xin vâng lời bố".

Ðúng như lời thằng em trai tôi nhận xét, cưới vợ xong, tôi không phải lo một thứ gì, vì tất cả nhu cầu cho một cặp vợ chồng trẻ vợ tôi đã lo chu tất. Lương và thu nhập của ba thành viên trong gia đình dư hai triệu rưỡi mỗi tháng. Thỉnh thoảng anh chị vợ lại gửi cho vài triệu. Vợ tôi là người đảm theo lối cổ. Nàng không cho tôi đụng vào bất cứ một công việc nội trợ nào, kể cả việc đi đổ rác. Chiều chiều, khi ở cơ quan về, tôi chỉ có việc tắm táp, đọc báo và chờ cơm. Một tuần vài lần ngồi tiếp chuyện ông nhạc, khi thì nói về tình hình thời sự thế giới, khi thì trao đổi về một bài phóng sự mang tính cấp bách trên báo, hoặc một bộ phim nào đó được chiếu trên đài truyền hình. Thường thì quan điểm của hai người ít gặp nhau. Tôi luôn giữ chủ kiến của mình nhất là những vấn đề có quan hệ đến giới trẻ. Những lúc như thế ông nhạc tôi hay có câu vừa như dặn dò, vừa như thể hiện cái lý đuối của mình :"Anh cân nhắc xem có phải như thế không!" hoặc "Tôi thiếu thông tin nhưng chả lẽ vấn đề nó lại đơn giản như thế...". Tôi hăng hái khẳng định luôn ý nghĩ của mình chẳng cần suy nghĩ cân nhắc như ông cụ yêu cầu. Thú thật, có lúc tôi mù mờ biết mình sai, mình hấp tấp nhưng thấy ông cụ có vẻ như thỏa hiệp, như nhường nhịn nên tôi có lấn tới với vẻ hiếu thắng.

Vợ tôi nhận ra điều đó nên có lần nàng nhỏ nhẹ bảo tôi:

- Anh ạ, hình như... em cảm thấy... anh hay quá lời với bố.

Tôi vỗ vỗ vào lưng nàng:

- Ðã tranh luận thì phải bình đẳng, phải nói cho đến cùng lý lẽ. Với lại bố mình hiền ấy mà.

- Cụ không hiền đâu. Cụ biết hết đấy. Cụ nhường anh thì có.

- Biết, sao bố lại không tranh luận cho tới cùng đi?

- Nhưng để làm gì?

Sau câu hỏi của vợ, tôi lựa lời khuyên nàng đừng quá bận tâm với các cuộc trò chuyện của giới đàn ông chúng tôi. Ðó là thứ chuyện vừa quan trọng,vừa tầm phào, vui là chính, chứ có phương hại gì đến ai. Tôi vẫn khẳng định với nàng rằng ông nhạc là người hiền lành, là típ người cũ, bảo thủ và hoài cổ. Sau mỗi lần nghe tôi nói thế, Cúc, vợ tôi thường im lặng, có vẻ như tin lời tôi. Ðược thể, tôi càng cho thái độ sống của mình là đúng.

Cho đến một ngày tôi gặp tai ương, nói thế cũng là quá, vì chuyện đó do tôi gây ra mà sự vỡ lở lại bắt nguồn từ cái buzy, bộ phận đánh lửa của động cơ xe máy. Buổi tối hôm đó, tôi tháo cái buzy, lau chùi cẩn thận, thử "lửa" cẩn thận, lắp vào ổ máy đề, trăm lần máy nổ cả trăm. Cúc mang trà Lipton cho tôi, hỏi: "Sao hôm nay anh chăm thế?". "ờ, mai anh đi quay cái lễ hội, xe máy phải tốt". Vợ tôi không nói gì. Tôi đảo mắt nhìn về phía bố vợ, nhận ra ở môi cụ có một nụ cười. Tuy nhiên, lúc đó tôi chỉ cho là một nụ cười ngẫu nhiên. ít phút sau, thằng bạn nối khố của tôi đến. Nó dặn ngày mai, tôi sẽ đón nó vào lúc 7 giờ. Nó còn bảo camera và băng nó đã chuẩn bị xong rồi. Nó mua được băng ngoại chính gốc loại siêu. Nó hỏi thăm sức khỏe ông nhạc tôi rồi dặn lại tôi một lần nữa, lời dặn rất to muốn là vợ tôi cũng nghe được những nội dung ấy.

Ðúng là tôi đang có chuyện. Chả là lúc trưa trên đường đi làm về, tôi chợt nghe tiếng phụ nữ gọi :"Anh Tôn! Anh Tôn đấy phải không?", tôi ngoái lại, dừng xe gấp. ở chỗ ngã rẽ, một cô gái cao lớn, ăn vận rất bít-zít, váy ngắn, áo hồng, tóc nhuộm vàng, cắt theo mốt Thượng Hải. Tôi ngớ ra không biết người gọi là ai. Cô gái bảo :"Quên nhau rồi à? Noan - lương thực ngày xưa đây". "Ô, Loan à, khác quá, lộng lẫy quá! Cứ tưởng là một bà Tây nào đấy!" "Ðã từng là bà đầm nhưng chia tay rồi. Anh có rỗi không?". "Ðể làm gì?". "Anh chán bỏ xừ, phụ nữ hỏi mà trả lời kiểu đó thì nghỉ khoẻ nhé". Biết sự khiếm nhã của mình, tôi vội xun xoe :"Ngày trước, em hay đùa thì anh cũng lên gân, lên cốt tý thôi". "Chống chế như thế là loại xoàng, nhưng đang buồn, em tha. Có rỗi thì đi uống cà phê với em?". "Xong!" - tôi đáp một cách hứng thú tỏ vẻ ga-lăng.

Tôi và Loan vào quán cà phê, loại quán có ngăn, chia từng ô kín đáo. Loan hất mái tóc nhìn tôi, hỏi cộc lốc :"Hạnh phúc lắm hả?" "Nói hạnh phúc thì e tự phụ nhưng cuộc sống êm ấm, không có bão táp mưa sa". "Giỏi". "Còn em?" "Lấy chồng bỏ chồng, lấy chồng khác, chồng bỏ!". Loan nói tỉnh khô rồi lại hất mái tóc. Cử chỉ mà có lần đọc báo tôi biết đó là một dấu hiệu gợi tình của phái yếu. Tôi cúi đầu lúng túng không biết nên chọn một câu đáp lại thế nào cho hợp. Ngày trước, Loan là người yêu của tôi. Cô làm ở cửa hàng lương thực phường. Những năm còn sử dụng tem phiếu trong mua bán các mặt hàng thiết yếu thì tôi phải nói rằng, các ông, các bà, các chị, các cô ở bách hóa, lương thực, thực phẩm là những ông bà giời. Có lần, tôi đi xếp hàng từ bốn giờ sáng đến ba giờ rưỡi chiều mới mua được 10 cân gạo. Về đến nhà trông thấy tôi, ông chú họ bảo :"Ðộ này mày ốm hay sao mà gầy thế, cháu?" Tôi bảo không ốm đau gì nhưng khi soi gương thấy mặt mày hốc hác, hai gò má nhô hẳn lên phờ phạc. Sẵn có cái bàn cân thu mua sắt vụn của nhà bên cạnh, tôi xem lại trọng lượng của mình, thấy tụt đi ba ki lô. Mua được 10 cân gạo sút mất ba cân thịt, khiến tôi phải trằn trọc nghĩ cách. Tôi cố lượng xem mình có thế mạnh nào không? Tôi là thằng đàn ông có mẽ, có bằng cấp nhưng là con nhà nghèo. Bốn anh em trai lộc ngộc và một chị gái quá lứa chưa có ai "cẩu" đi cho. ở cơ quan tôi cũng có một chức vụ nhưng là chức vụ đoàn thể mà lại là cấp phó, phó tổ trưởng công đoàn của một tiểu ban có sáu người. Một lần thức giấc vào lúc nửa đêm, bởi một cơn mơ kinh hoàng do buổi chiều hôm đó tôi được xem bộ phim "Kinh Kông" của Mỹ (xin lưu ý rằng, đầu những năm 80 phim nước ngoài được xếp vào loại phim tư liệu, xem trong nội bộ hoặc khách mời diện hẹp là có giá lắm), tôi chợt nhận ra mình cũng có một thế mạnh. Ðó là tôi có thể kiếm được những cặp vé xem phim tư liệu. Ngay ngày hôm sau, tôi mạo hiểm xông thẳng vào phòng làm việc của ông viện trưởng, trình bày lưu loát và xin được cặp vé xem bộ phim "Cuốn theo chiều gió". Có được "thế mạnh" rồi tôi phóng thẳng ra cửa hàng lương thực, đứng ở gốc cây nhìn vào chọn một cô có gương mặt dễ coi nhất, đôi mắt có nét mơ màng nhất, vì tôi đoán là chỉ những cô như thế mới ham thích nghệ thuật, mới thấy cái giá của "phim tư liệu xem diện hẹp". Chọn xong, tôi đứng chờ cho đến 5 giờ chiều, khi cửa hàng đóng cửa vì hết gạo, chứ không phải vì hết người mua. Tôi tiến đến chỗ người con gái đó, chào như đã quen biết:

- Chào em, bận lắm phải không, em?

Cô gái ngước nhìn tôi, cái nhìn thăm dò. Khi thấy tôi không mang túi, tải gì và ăn mặc cũng không đến nỗi, cô ngờ ngợ hỏi:

- Chào anh. Anh là...?

- Anh là "dân" nghệ thuật. Cũng đã vài lần mua gạo ở đây. Thấy em bận bịu suốt ngày, nay mang đôi vé để em mời bạn trai đi xem phim tư liệu giải trí vào chủ nhật - Tôi nói và đưa hai tấm vé cho cô.

Cô sững sờ cảm động trước cử chỉ của tôi. Ðôi môi tươi tắn của cô run run một lúc mà chỉ nói được có hai từ:

- Em xin.

- Ðơn giản có thế thôi. Chào em. Nhớ chủ nhật đi xem em nhé.

- ở đâu ạ?

- Trong vé ghi rất nghiêm chỉnh rồi. Ðây là loại vé đặc biệt, hàng ghế ưu tiên.

- Em cảm ơn anh quá! Em xin!- Cô nhắc lại hai từ lúc nãy.

- Không có gì! - Tôi nói rồi bỏ đi ngay và thầm đoán rằng thế nào cô cũng sững sờ nhìn theo tôi.

Chủ nhật, ngày cô gái đi xem phim, tôi có đến nơi chiếu nhưng muộn hơn và xin người canh cửa cho đứng ghé ở một góc, vì tôi không có vé. Khi buổi chiếu sắp kết thúc, tôi ra trước tìm một chỗ quan sát. Dòng người từ cửa buồng chiếu chen nhau ra, ai nấy đều thì thầm với nhau, nét mặt rạng rỡ, chắc là họ đang nói về cái hay của bộ phim. Cô gái cũng đi xem phim. Ði có một mình. Ra khỏi cửa, cô có ý tìm ai đó. Tôi tiến lại chỗ cô. Cô rất mừng khi nhận ra tôi. Chào cô rồi tôi hỏi:

- Bạn trai em đâu?

- Em không có bạn trai. Em đã rủ cô cửa hàng trưởng đi nhưng cô ấy bận việc đột xuất, thành ra thừa vé, phí quá. Phim hay anh nhỉ. Các anh thích thật đấy.

- Ðây mới là phim hay vừa vừa thôi, có nhiều bộ còn mê ly. Nếu em thích, anh sẽ đưa vé cho em đi xem thường xuyên.

- Tên em là gì?

- Dạ Noan ạ - Cô gái tỏ vẻ ngượng, vì tôi biết cô nói ngọng tên của chính mình. Tôi hỏi chuyện cho cô khỏi lúng túng:

- Nếu Loan đồng ý, anh mời Loan đi ăn kem. ở chỗ kia có kem "Bắc Cực" ăn được lắm!

- Em phải về thổi cơm cho mẹ.

- �n kem cũng nhanh thôi mà. Nhà Loan có xa lắm không?

- Cũng gần thôi, ở Hàng Bồ anh ạ.

- Bây giờ là 9 giờ 30 phút, mười giờ Loan về vẫn kịp.

Loan không đáp, theo tôi vào quán kem "Bắc Cực". Từ bữa đó, tôi và Loan quen nhau, rồi yêu nhau. Tất tật tem phiếu về lương thực của nhà tôi, của các bạn thân tôi có hộ khẩu trong phường đều gửi cả ở chỗ Loan, cứ cần lúc nào ra mua lúc ấy mà bao giờ cũng được ưu tiên bán cho loại ngon nhất. Tôi cũng đã chấn chỉnh thường xuyên để Loan không nói ngọng tên cô và những tên người có chữ "L" đứng trước. Mẹ tôi, bà chị quá lứa của tôi mừng cho tôi lắm. Mỗi khi Loan đến nhà tôi chơi, mẹ tôi nhìn cô bằng sự ngưỡng mộ. Cụ khen cô vừa có tướng phúc hậu, vừa có sự dịu dàng. Các em trai tôi thì bảo, giá chị Toàn (chị gái của tôi) mà được như chị Loan thì nhà tôi sẽ đổi đời. Mẹ tôi bảo :"Có voi đòi tiên, chỉ cần một cái Loan là đủ. Phúc lộc vào nhiều một lúc thường có họa". Chúng tôi yêu nhau được hai năm. Rồi vào một ngày giáp Tết, sau chuyến đi công tác ở Lạng Sơn về, tôi hớn hở mang đến nhà Loan cành đào phai thứ đặc sản của tỉnh biên giới, cành đào mà người láng giềng của tôi, làm ở ngoại giao đoàn, gạ tôi một tờ (100 USD) để anh đặt vào phòng khách ngôi nhà mới xây, tôi cũng từ chối. Loan đi vắng. Bốn cô em gái của Loan ngày thường hồ hởi với tôi bao nhiêu thì bữa nay vừa lạnh nhạt, vừa lúng túng bấy nhiêu. Cô thứ nhì, tuổi Dần tên cũng là Dần, cái cô rất có cá tính, trán dô, có duyên nhất nhà thẳng thắn bảo tôi :"Anh Tôn ơi, năm nay nhà em "chơi" quất, anh mang đào về cho cụ bên nhà. Nghe nói "chơi" cả đào, cả quất năm mới không hên". Tôi biết có chuyện rồi hỏi thẳng cô Dần :"Chị Loan đâu, Dần?". "Tối nay anh đến đi, chị Loan sẽ nói chuyện hoàn cảnh với anh". Dần bảo thế và nhắc tôi mang cành đào về.

Vừa bực, vừa tức, vừa tẽn, tôi vác cành đào đi ra. ở ngoài phố, tôi vứt cành đào đáng giá một tờ vào cái thùng rác. Chả ai hoài của quý, một bác qua đường nhặt lấy ngay. Bác ta cẩn thận gỡ những mụn rác bám vào cành đào khen đào đẹp và mang đi.

Ðúng như Dần nói, Loan không tránh tôi vào buổi tối. Cô mời tôi ra vườn hoa Hàng Ðậu. Cô đưa ra lý do. Tôi và cô yêu nhau hai năm rồi mà chưa một lần tôi nói đến chuyện cưới cô. Loan cũng nói thẳng ra rằng, nhìn bà chị tôi, nhìn ba thằng em trai tôi cô hãi lắm. Nếu tôi có cưới cô về thì vợ chồng sẽ ở đâu? Chả lẽ lại làm giường cưới trên gác xép? Mà cô thì cần phải lấy chồng để em gái bốn đứa của cô mới có cơ hội đi lấy chồng được. Loan nói xong thở dài não ruột. Tôi hét lên:

- "Rõ rồi".

Và đứng phắt dậy về thẳng, mặc dù Loan có gọi với theo tôi. Trong thâm tâm dù đã thề độc rằng, sẽ không bao giờ nhìn mặt Loan nữa nhưng ngày cưới Loan tôi vẫn đến, mừng một đôi vé đi xem phim. Tôi ngạo nghễ nhìn chú rể. Anh này trông hiền lành nghe nói là học ở Tiệp về. Loan xem tôi như nhiều người quen biết khác, hơn hớn cùng chú rể tiếp khách.

Một thời gian sau, chuyện tem phiếu được dẹp bỏ. Gạo ngon có người mang đến bán tận nhà, thậm chí mua chịu cũng được, vì thế, tôi chẳng phải đi đong gạo nên cũng không biết cuộc sống của Loan thế nào. Rồi tôi cưới vợ, ở rể.

   Ít lâu sau, chị Toàn tôi được một anh 46 tuổi yêu chết mê chết mệt, cứ đòi cưới tắp lự. Chị tôi có ngủng nghỉnh làm bộ vài lần rồi thuận tình lấy anh. Hai em trai tôi cũng theo gương tôi đi ở rể. Chúng nó không may bằng tôi, bởi rơi vào chỗ đông người, đất cát nhà cửa chia bôi thế nào chẳng rõ, cứ thấy ít bữa lại kéo nhau ra toà. Cuối cùng rồi họ phải bán nhà, chia mỗi người một ít, tản ra các phía rồi mới yên ổn được. Mẹ tôi ở với thằng út, nó thừa hưởng chỗ 20m2 nhà cấp bốn. Vợ nó đi làm "liên doanh" nên nhanh chóng xây được nhà ba tầng. Nó vẫn hay so bì với tôi. Nó bảo, nếu có chỗ đất như tôi, nó làm biệt thự năm tầng có khuôn viên, có gara ôtô, tầng chót thì làm bể bơi. Nghe nó nói thế, tôi chỉ cười.

Ngồi uống cà phê với Loan tôi được biết thêm, cô đã có căn hộ bốn phòng, sống độc thân, đã nghỉ "chế độ" nhưng mới nhận làm cố vấn tiếp thị cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Cô bảo cô rất buồn, rất cô đơn. Cô còn thổ lộ chỉ có tôi mới mang đến cho cô tình yêu đích thực, rằng hai năm yêu tôi, cô "được" nhiều lắm. Cô thừa nhận sự nông nổi, vô duyên của mình. Cô đề nghị tôi hãy đưa cô đi chơi xa một lần. Ðưa ra đề nghị ấy, cô nhìn xoáy vào mắt tôi đam mê chờ đợi. Tôi cảm động nắm lấy đôi bàn tay có những móng dài đỏ chót của cô, đưa lên môi hôn. Tôi thấy cô run lên, giọng lạc đi :"Hoàng tử của em". Tôi nuốt khan khối rạo rực, thảng thốt hỏi: "Em đã đi Ao Vua chưa?" "Ði đâu cũng được càng xa Hà Nội càng tốt". "Hay đi Suối Tiên". "Tuỳ anh". Chúng tôi chấp thuận cùng nhau đi Thiên Thai. Bảy giờ sáng hôm sau tôi sẽ đón Loan. Chia tay Loan, tôi rẽ vào nhà thằng bạn, cái thằng hay bảo tôi là "Chó chui gầm chạn", dặn nó như thế, như thế... Buổi chiều hôm đó, tôi lòng dạ bồn chồn như lửa đốt. Buổi tối không biết ma quỷ mê hoặc thế nào, tôi tháo buzy ra lau. Thật ra thì tôi lo xa thôi. Ði chơi với người tình cũ, người tình đang cô đơn, đang xem tôi như một cứu cánh mà xe lại tậm tịt thì hoài thời gian lắm. Khi thằng bạn đến, cụ thể cái sự "như thế, như thế...' của tôi bằng thông báo đi quay lễ hội vào ngày mai. Về rồi, tôi buồn tay thế nào lại ấn đề cho xe nổ không tải một cách ngu ngốc. Tắt máy xong, tôi đi vào, đi ra, huýt sáo vang nhà.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, lau sàn nhà, đun nước, đi mua đồ điểm tâm, mời ông nhạc ăn sáng. Thời gian trôi thật là chậm. Mãi kim đồng hồ mới nhích đến 6 giờ 45 phút. Tôi chào bố vợ và vợ đi trước. Ra khỏi nhà, tôi phóng như bay về phía Hàng Bồ. Loan đã chờ tôi ở đầu phố. Tôi dừng xe nhanh. Loan lên xe cũng nhanh. Cả hai lặng lẽ rời "toạ độ chết" đi về phía Yên Phụ, dọc theo đê Nhật Tân phóng với 60, 70km giờ hướng về đường cao tốc. Chỉ hết 55 phút chúng tôi đã đến Thiên Thai. Dừng lại trước một quán ăn, tôi định mua mấy thứ nhưng Loan bảo không cần, cô đã chuẩn bị đầy đủ cho hai đứa... cả ngày. Thuê phòng, nhận chìa khóa xong, Loan nhắc tôi là mang cả xe vào phòng. Khi cái thế giới riêng được chốt cài cẩn thận, chúng tôi vồ lấy nhau mà hôn. Loan trẻ trung cù vào ngực tôi:"Có ma kia! ma đấy!". "Không sợ", tôi đáp và siết cô vào ngực mình. Bỗng có tiếng gõ cửa rất gấp rồi giọng cô lễ tân :"Anh gì, chị gì ơi, em gửi phích nước". "Ðể đấy". "Anh ơi, có việc đấy!" "Gì cơ?" "Mở cửa em nói cái này". Chúng tôi vội rời nhau. Tôi thầm bực bõ với cách phục vụ của mấy cô nhà khách tỉnh lẻ.

- Gì đấy cô? - Vừa mở cửa, tôi cau có hỏi.

Cô phục vụ mặt tái mét, nói nhỏ với tôi:

- Hình như là vợ anh đi tìm anh. Chị ấy người cao cao, có một chú đầu húi cua, da đen đen đèo chị ấy. Họ vừa vào lễ tân đấy. Anh có để lại giấy tờ gì không?

- Thuê trọn gói trả tiền trước, không để lại gì?

- Vậy anh chị "thoát" nhanh lên. Ðây có lối vòng ra nhà 4C đi ven hồ ra đường lớn, chị ấy không phát hiện được đâu.

- Cứ đóng cửa ở trong này đã sao?

- Chị ấy biết anh đến đây rồi. Tuần trước có một trường hợp đánh ghen phải đưa đi bệnh viện đấy anh ạ. Lúc đầu, nói anh đừng giận, lễ tân cũng nghi anh nhưng... nể, thành ra...

Nghe xong, tôi bủn rủn cả người. Loan đến sau tôi, bảo: "Anh sợ thì đi về". Tôi trả lời liều :"Sợ thì không nhưng phiền phức lắm. Chả gì mình cũng phương diện...".

- Thôi về cho khỏi rách việc, chú thỏ, về!

Tôi dúi vào tay cô gái phục vụ tờ 20 ngàn rồi lập cập dắt xe ra. Cô gái hướng dẫn chúng tôi lối thoát như cô đã nói. Ra đường, mặt Loan nặng như chì, tôi phải động viên :"Mình về một khách sạn ven Hồ Tây có được không? ở đó, họa là trời có mắt mới tìm thấy.

- Xin lỗi. Anh đưa em về ngay đi! - Loan nói xong, quẳng cái gói đồ ăn, thức uống xuống hồ, môi mím lại chỉ còn một vệt như sợi chỉ.

Biết nói gì lúc này cũng chỉ là đổ thêm dầu vào lửa nên tôi chờ Loan ngồi lên xe là vù đi ngay. Tôi phóng hết cỡ vì như thông báo của cô phục vụ thì người thanh niên kia chính là cháu họ vợ tôi, thằng này có biệt tài đi xe máy. Nó đã rủ tôi lên đỉnh cầu Thăng Long, chờ lúc vắng người, phóng xe với tốc độ 160km một giờ để tìm cảm giác mạnh, tôi hy vọng trong trường hợp này, hắn vì "quyền lợi danh dự" của nam giới mà tìm kế hoãn binh hộ tôi, chứ với sức hắn, với cái Suzuky 350cm3 của hắn thì họa tôi có bay mới thoát. Ði được mười phút, thấy đã ra đến gần ga xe lửa tôi ngoái lại thấy không có cái đuôi nào bám đã mừng. Tôi nảy ra ý định đi ngược lên mạn trên. Thì chắc chắn là thoát. Nhưng cái ý nghĩ ấy chưa kịp thực hiện thì xe tôi ì ra, giống như là hết xăng. Tôi nhìn đồng hồ nhiên liệu, thấy kim vẫn chỉ ở con số 3 nghĩa là xăng trong bình vẫn còn đầy. Chiếc xe dừng lại, tôi mở cửa gió, đề. Máy ặc lên rồi tắt. Kiểu này là trục trặc ở buzy rồi. Tôi đẩy xe vào sau cái bảng tin. Mắt nhìn về phía Thiên Thai. Chỉ thấy có vài bóng xe nhỏ xíu đang phóng tới. Loan cắm cẳn dẫm chân, không muốn lại chỗ bảng tin. Tôi hét lên: "Muốn chết à! Có nép vào đây không thì bảo" - Hét xong, không đợi Loan có nghe hay không, tôi đẩy chiếc xe tậm tịt vào phía sau cái bảng tin. Khốn nỗi vì vội nên bánh trước sa xuống ruộng ngập đến tận moay-ơ. Loan đến, giúp tôi kéo nó lên, giúp tôi đẩy. Khi đã tìm được chỗ khuất, tôi ló đầu, kiễng chân nhìn về hướng cũ, thấy có người đi xe tới, nhưng không phải thằng cháu vợ tôi.

Tôi tháo buzy, lóng ngóng lau, mồ hôi túa ra. Loan thì tựa lưng vào bảng tin, khoanh tay cười. Tôi cáu, hỏi :"Cười gì?" Loan khủng khỉnh :"Cười đời". Tôi nhẫn nại gõ gõ cái buzy vào máy, thử xem nó có đánh lửa hay không. Những tia lửa xanh tí tách nổ. Mừng quá, tôi lắp nó vào, đang chuẩn bị đề cho nổi thì chiếc xe Suzuky 350cm3 tựa như từ trên trời rơi xuống, quành một đường rất khéo đến sát tôi, chỉ còn cách độ 60 phân. Thắng cháu họ trời đánh ngoan ngoãn :"Cháu chào chú Tôn ạ, cháu chào cô gì ạ". Tôi đứng như bị găm chân xuống đất. Vợ tôi nhẹ nhàng hỏi :"Anh Tôn, sao lại thế này? Xe đã sửa xong chưa, anh?" "Xong rồi", tôi đáp như một cái máy và đáo mắt nhìn Loan. Loan nhìn trừng trừng vào tôi. Tôi vội tránh cặp mắt ấy.

bgr2.gif (875 bytes)
bgr6.gif (871 bytes) corner6(1).gif (933 bytes)
line.gif (871 bytes) corner_top.gif (930 bytes)

- Anh Tôn, sửa xong xe thì mời anh về.

- Về - Tôi đáp vu vơ rồi đẩy cái xe ra đường. Chả biết sức mạnh nào khiến tôi đẩy nó băng băng trên bờ mương gồ ghề. Ra đến đường cái, tôi mới sực nhớ là còn Loan nữa. Làm sao bây giờ? Tôi chưa nghĩ ra giải pháp thì vợ tôi lại giục.

Lời cô nàng lúc này kiên quyết hơn:

- Anh ngồi lên xe đi về.

- Thì về - Tôi "đề" và phóng xe đi.

Thằng cháu họ đèo vợ tôi "áp tải" phía sau. Khi tôi phóng nhanh thì thằng cháu lướt tới dặn:

- Chú Tôn ơi, cô bảo đừng phóng nhanh nguy hiểm. Tôi không đáp cứ giữ tốc độ một cách ngang bướng, vì tâm trạng tôi vô cùng bực bội. Trời ơi, Loan sẽ về nhà bằng cách gì? Cô sẽ nghĩ về tôi như thế nào? Sao lúc vợ tôi giục tôi về, tôi không can đảm nói với Cúc rằng, dù gì thì gì cũng phải đưa Loan về? Sao tôi không chào Loan một câu? Cố nhiên là Loan sẽ không ngồi chung xe với tôi, bởi làm thế thì có khác nào trêu ngươi vợ tôi nhưng ít ra tôi cũng phải gọi cho Loan một "cuốc" xe ôm chứ?

- Anh Tôn, anh không cần phải phóng nhanh như thế- Khi thằng cháu chở vợ tôi vượt lên, Cúc nói như quát với tôi, điều mà mấy năm chung sống, cô chưa một lần dám thế.

- Chết thì thôi, cần quái gì! - Tôi trả lời liều. Vợ tôi không đáp, nói gì với thằng cháu rồi thấy nó cho xe lên chắn lấy xe tôi. Vợ tôi xuống, ngồi sang xe của tôi. Thằng cháu rồ ga đi chầm chậm phía trước cản đường không cho tôi phóng nhanh nữa.

Chúng tôi về đến thành phố, thằng cháu họ vụt biến mất vào dòng người đông đúc. Tôi gợi chuyện:

- Em với cháu đi từ lúc nào?

Cúc không đáp. Tôi lẳng lặng đi tiếp. Một lúc sau, tôi buồn mồm, lên tiếng thanh minh:

- Ðừng bực anh nữa. Chưa có chuyện gì đâu.

Vợ tôi vẫn im lặng.

Khi tôi định rẽ vào lối để về nhà, Cúc mới mở miệng:

- Ði thẳng đi anh Tôn

- Ði thẳng là thế nào?

- Ði thẳng là đi thẳng chứ còn thế nào nữa.

- Thế, em không muốn về nhà à?

- Về nhà! Anh không phải hỏi nữa!

Thì ra nàng bảo tôi đi thẳng, tức là "dong" tôi về nhà mẹ đẻ của tôi. Chà, mới cao tay làm sao! Khi về đến gần nhà mình, tôi lo cuống cả lên, nói như xin với vợ:

- Làm khổ anh thì em được cái gì? Cúc ơi, thương anh đi!

- Anh cứ về, không ai làm khổ anh đâu.

- Em muốn giao thằng con hư cho mẹ anh chứ gì? "Xấu chàng hổ ai " em ơi?

Vợ tôi không trả lời nhưng nghe tiếng chép miệng, tôi biết cô nàng cười khẩy, củng cố quyết tâm "riềng" tôi. Tôi phải nghĩ cách khác để tự bào chữa cho mình trước mặt mẹ đẻ. Cũng may cho tôi, vợ chồng thắng út đi vắng, chứ chường cái mặt của thằng đàn ông ngoại tình ra với em trai, em dâu thì còn ra thể thống gì nữa. Thấy mẹ tôi, vợ tôi nhào lại chỗ cụ, khóc nức nở như sắp chết đến nơi. Không cần hỏi, mẹ tôi đã hiểu có sự. Bà hỏi tôi:

- Thằng Tôn vụng trộm gì phải không?

- Mẹ ơi chưa có gì đâu ạ, cô ấy nông nổi..

Câu nói của tôi như ngọn gió bùng lên nỗi ức trong vợ tôi. Cúc khóc òa lên, rồi nói trong tiếng nghẹn:

- Mẹ ơi, anh ấy đưa người yêu cũ đi khách sạn, con bắt được quả tang mà anh ấy còn bảo con là nông nổi. Mẹ ơi, khổ con quá!

Mẹ tôi ôm lấy Cúc, vuốt tóc cho nàng và bà nhìn tôi nghiêm khắc, mắng:

- Thằng khốn, sao mày còn đứng đực mặt ra đấy? Mày còn không về đi, à? Về!

- Mẹ...!

- Tôi bảo anh về đi cho mẹ con tôi yên.

- Mẹ ...! Tôi cố giãi bày thì mẹ tôi đứng dậy, bà tát cho tôi một cái và tiếp tục đuổi tôi đi. Tôi lầu bầu, cắm cẳn, dắt xe ra khỏi nhà mẹ đẻ. Dọc đường, tôi mới nhận ra sự khéo xử của mẹ mình. ừ, liệu tôi ở đó thì giải quyết được gì, chỉ thêm ngứa mắt vợ tôi. Lúc này, nàng đang hết sức đau khổ, cần phải có nơi để dốc cho hết nỗi niềm. Tôi tin với bản tính hiền lành, khéo khuyên nhủ, mẹ tôi sẽ giúp nàng vợi đi. Yên được một phần, tôi lại phải lo đến phần tiếp. Về nhà sẽ nói với ông nhạc tôi thế nào đây? Ông đã quý tôi như thế. Tôi đã có lúc lấn lướt ông như thế. Nhà đã cháy, chuột đã lộ mặt. Ôi cái mặt chuột của tôi giờ đây lò dò về nhà! Tôi quyết định sẽ nói hết sự thật với ông cụ. May ra cụ sẽ thông cảm, cụ "ân xá" cái sự đam mê ma xui, quỷ mướn ngu muội của tôi.

Tôi về nhà, ông nhạc đang ngồi ghi chép. Tôi chào cụ, pha ấm trà, mời cụ uống nước. Khi cụ đã ngồi, đã uống trà và hỏi thăm công việc quay "lễ hội" của tôi, tôi ấp úng thưa lại với cụ câu chuyện vừa xảy ra và luôn nhấn mạnh câu :"Chưa có chuyện gì đâu ạ". Nghe tôi trình bày xong, ông cụ chưa phán xét ngay. Tôi lấm lét nhìn bố vợ. Nét mặt luôn điềm tĩnh của cụ buồn hẳn đi. Tôi hiểu rằng, cụ ít nhiều bị sốc, cụ đang thất vọng về tôi. Thấy cụ nhìn tôi, tôi vội cúi mặt xuống ấp úng:

- Con mong bố thương, vả lại cũng chưa có chuyện gì.

- Tối qua - ông nhạc tôi chậm rãi nói - nhìn anh loay hoay với xe pháo, nói anh thông cảm, tôi đã thấy sự bất thường. Cũng thật tiếc, anh lại để cho cái Cúc nó biết. Mà con bé cũng xốc nổi quá, tại sao lại phải đưa anh về bên cụ? Như thế là nó hỗn với cụ quá. Thôi thì đằng nào chuyện cũng xảy ra rồi, anh cứ "hoạt động" bình thường. Mọi việc anh để tôi lo. Mai kia rỗi tôi phải đến xin lỗi cụ bên nhà.

- Thưa bố, trăm sự là tại con. Cúc không có lỗi ạ.

- Anh không phải nói nhiều. Có phải đi việc gì thì cứ đi đi.

- Dạ.. cũng không có việc gì ạ. Con mời bố xơi nước.

Ông cụ nhấp môi chén trà tôi vừa rót thêm rồi đứng dậy, đi lại cái bàn, tiếp tục viết lách. Tôi cũng ngượng ngùng đứng dậy. Nhìn quanh chả có việc gì làm, tôi lại lau nhà, việc mà lúc sáng tôi đã làm. Lau xong tầng dưới, tôi lên tầng trên lau cửa kính, cửa sổ, đầu óc suy nghĩ mông lung, làm mà chả biết làm việc gì. Tôi đã nhầm thảm với nền nhà nên "lau" thảm một lúc mới sực nhớ ra, lại phải dùng quạt để quạt cho khô cái thảm ướt. Quạt không được, lấy bàn là ra là làm cho thảm cháy khét lẹt.

Vợ tôi về. Tôi rụng rời chân tay. Tôi lẻn ra chỗ cầu thang xem, nàng sẽ "tố" với ông nhạc những gì. Tôi thấy Cúc không khóc như lúc gặp mẹ tôi nên cũng có phần mừng. Chờ cho Cúc cất xong mấy thứ, tôi nghe tiếng ông nhạc gọi con gái:

- Cúc, con ra đây bố nói cái này.

Rồi tôi nghe tiếng ông nhạc vừa nghiêm khắc, vừa nhỏ nhẹ:

- Anh Tôn có lỗi với con nhưng con xử sự như vừa rồi là không phải. Còn có biết con làm thế là xúc phạm đến cụ bên nhà không?

- Bố lại nghe anh Tôn mách gì rồi! - Vợ tôi nói thế rồi khóc òa lên.

Ông nhạc tôi nói tiếp:

- Bình tĩnh con gái.

- Con bình tĩnh lắm, con mới xử sự như thế. Nếu là người khác..

- Con chưa bình tĩnh đâu. Nghe bố đã. Vậy con so con với người đàn bà kia ai hơn?

- Con kém cỏi nên anh Tôn mới làm khổ con thế.

- Khiêm tốn, nhún mình là quý nhưng con nói chưa thật lòng. Anh Tôn đã nghe con, đã phải theo con về nhà mẹ đẻ của anh ấy, thế là con đã hơn đứt người phụ nữ kia, đúng không?

- Chả qua là anh ấy bị con phát hiện.

- Dù sao thì anh Tôn đã nghe con. Nói cho phân minh ra, trong trường hợp này con thắng cả hai. Người thắng trận nên bao dung, đại lượng. Ngay ngày mai, con phải sang xin lỗi bà cụ, còn vợ chồng, lúc thấy được, con phải có lời với anh Tôn.

Nghe bố vợ nói thế, không đừng được, tôi vội chạy xuống chắp tay:

- Thưa bố, tại con, tại con tất cả. Con phải là người xin em Cúc tha thứ.

- Anh cứ đi lên nhà lo công việc. Trong chuyện này bố là người bình tĩnh nhất để phân xử đúng sai.

Tôi đành phải cun cút đi lên. Tôi không dám theo dõi cuộc trò chuyện của bố vợ và vợ tôi nữa. Ðến tối, tôi chủ động xin Cúc tha thứ nhưng nàng lặng im. Tiếp những ngày sau, trong bữa cơm hay lúc có ông nhạc, bao giờ Cúc cũng mời chào đúng phép, còn khi chỉ có hai vợ chồng, tôi có hỏi gì nàng cũng im lặng. Tôi rơi vào hoàn cảnh "chó chui gậm chạn" thật. Thôi thì đành lấy công chuộc tội, ngoan ngoãn, nhẫn nại "thi hành" đến cùng các tình tiết của kế khổ nhục. Mất đúng ba tháng mười tám ngày, tôi lăn đùng ra ốm, một trận cảm cấp. Lúc đó, vợ tôi mới mở miệng với tôi, mới chăm sóc tôi như xưa. Lựa lúc nàng dịu dàng nhất, tôi ngỏ lời xin tha thứ, nàng dí tay vào trán tôi bảo :"Chuyện cũ cho qua. Anh mà để xẩy ra chuyện gì nữa thì em không chịu đâu". "Biết tội đáng chết rồi!". Tôi thở phào nhẹ nhõm, tôi thầm cảm ơn trận ốm. "Chiến tranh lạnh" đã qua, đám mây u ám nặng nề trong nhà tôi đã được sự khoan dung của Cúc xua đuổi. Ba tháng mười tám ngày chịu trận, tôi đã có thói quen rửa bát, quét nhà, chiều chiều cứ quanh quẩn bên vợ chờ sai vặt. Nhiều hôm, vợ tôi phải giục tôi ra hầu chuyện ông nhạc.

Cho đến một ngày, chỉ có tôi và bố vợ ở nhà, ông cụ bảo tôi:

- Thế, anh Tôn đã đến xin lỗi bạn gái dạo nào chưa?

- Bố lại trêu con! - Thấy ông nhạc nói vui nên tôi cũng đáp lại một cách thoải mái.

- Có dịp nào thì đến xin lỗi người ta đi. Bỏ rơi đàn bà, con gái giữa đường như thế là không phải. Tôi không dám bày tỏ tình cảm của mình trước câu nói của bố vợ. Song sau đó, tôi lại nghĩ đến Loan, nghĩ dến chuyện hồi ba tháng trước. Loan về nhà bằng cách gì? Loan có thông cảm cho hoàn cảnh của tôi không?... Và vài ngày sau, tôi có bí mật đến nhà Loan để xin lỗi cô. Tôi vào nhà. Loan đang làm bếp. Tôi chào cô. Cô im lặng. Khi tôi hỏi Loan :"Hôm trước Loan về nhà bằng cách gì?" thì cô quắc mắt nhìn tôi. Tôi cười trừ tỏ vẻ làm thân, tiến đến chỗ Loan. Bất ngờ, cô cầm cái chảo, trong đó có hai quả trứng đang sôi lên trong mỡ, hắt về phía tôi. Tôi tránh kịp. Hai quả trứng cùng với mỡ nóng lao thẳng vào tường, bám chặt và tỏa nhiệt nghi ngút.

- Loan - Tôi bàng hoàng kêu lên.

- Cút! - Loan nói và tìm cái gì đó như muốn ném vào tôi nữa.

Tôi vội ra khỏi nhà Loan. Hành động của Loan làm tôi buồn và nghĩ ngợi lắm. Bên tai tôi vang lên lời của vợ :"Bố không hiền đâu. Bố biết hết đấy!". Có phải ông nhạc tôi bảo tôi đến xin lỗi Loan hay là cụ muốn Loan dạy cho tôi một bài học? Nghĩ đi, nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng, ông nhạc tôi sai tôi đi với dụng ý tốt, ông cụ chẳng thể đoán trước được cái kết cục mà Loan đã đối xử với tôi vừa rồi. Có điều từ bữa đó, mỗi lúc được hầu chuyện ông cụ, tôi đắn đo cân nhắc trước khi đưa ra chính kiến của mình. Vợ tôi khen tôi là ngoan, tôi đáp lời nàng như người từng trải :"Mỗi tuổi, mỗi khôn, em ạ".

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2008

Bến Phà Ðen lặng gió

Triệu Bôn Bà Ðà thường đi làm từ sáng sớm, chiều chạng vạng mới về. Chiếc khăn thâm trùm cách nào đó mà bịt kín cả gáy cả cổ, ngoài cái khe rất nhỏ dành cho hai con mắt lấp loáng nhìn ra. Dẫu là một người đẹp lộng lẫy mà trùm bịt như thế cũng thành khó hiểu, huống chi bà Ðà là con người có thân hình cứng cỏi, vai ngang dáng đàn ông, mà tính nết cứ mưa, nắng, nắng mưa luân chuyển nhau không ngừng. Chiều nào không thấy đồ nghề của ông Ðà - chiếc gánh toòng teng một bên đựng bốn, năm hòn đá mài các loại, và một bên là cái chậu đồng sứt vành dùng đựng nước - để ngoài hè, bà Ðà liền rít lên: - Mất thây mất xác ở đâu giờ này chưa chịu vác mặt về! Còn như, nếu thấy ông Ðà ngồi hút thuốc lào trên cái giường do mấy tấm ván thùng kê sát nhau, việc đầu tiên của bà Ðà là lấy từ chiếc túi xách ra chai rượu, thuồi xuống trước mặt ông, kèm theo một lời đay đả: - Này mồ hồi của tôi đấy. Nước mắt của tôi đấy. Nốc đi! Không mấy khi bà để cho ông uống rượu suông, mà thường có thêm vài thứ nhắm đạm bạc; miếng đậu phụ bôi nghệ nướng lem nhem, một miếng vó bò quăn queo như vỏ cây, năm thì mười họa còn có quả trứng vịt lộn hoặc bộ lòng gà. Mỗi tội thức nhắm càng ngon, ông Ðà càng phải nghe nhiều lời nhiếc móc của vợ. - Ðội thúng than từ xà lan lên bãi được mấy, ông biết không? Ba hào! Thế mà một quả trứng vịt lộn những năm đồng. Không nhờ cái đận phát tiền năng suất thì có khối ra đấy mà hốc. - Bà Ðà vừa nói chồng sa sả vừa móc túi lên vách, cởi khăn trùm, nhen bếp, bắc nồi, lấy gạo đi vo... Công việc thoăn thoắt trôi chẩy qua đôi bàn tay ngấm bụi than đen kịt của bà. Chai rượu trước mặt ông Ðà cạn, vừa lúc bà Ðà bưng mâm cơm lên, hai vợ chồng cùng ăn. Bấy giờ bà Ðà dù có nói trời nói đất, ông Ðà cũng không lấy làm điều, thậm chí ông còn thấy khoái nữa. Nhịn đói suốt ngày, mỏi rạc cẳng đi diễu qua các phố xá, được nhấm chút rượu là chất men chạy rần rật như kiến bò mười đầu ngón tay ngón chân và làm tê dại mang tai ông, khiến người ông lâng lâng. Tuy vậy đã vài bận ông Ðà xô cả mâm cơm xuống đất rồi xông vào bà vợ khốn khổ mà đấm đá túi bụi. Ðó là những lần bà Ðà nhiếc ông là giết chết con để ăn một mình cho sướng mồm. Cánh đàn ông hàng xóm tuy không phải là lũ ác bụng nhưng đều đồng thanh ủng hộ ông Ðà thẳng tay trừng trị bà vợ tai quái. - Thế! Giã nữa! - Vợ tôi mà thế tôi tẩn nhừ xương! - Ðem mà trôi sông cái của nợ ấy đi! Trước sự "chi viện" nhiệt tình ấy, ông Ðà quắc mắt đáp lại: - Việc nhà tôi, ai mượn các ông chõ vào? Người ta khổ quá rồi phải để người ta nói cho hả bớt cái khổ đi chứ! Nói vậy nhưng sau mỗi lần xô xát, ông Ðà sợ, không dám nhìn vào mặt vợ mấy ngày liền. "... Cái năm Nhật kéo sang ta, ông Ðà đương làm anh chân sào trên một chiếc thuyền đinh bề thế chẳng kém ngôi nhà ngói năm gian. Cứ bẩy ngày một lần ông chủ lại chất đầy gạo, muối, dầu tây, vải, lụa lên thuyền, cho nhổ sào ở bến Lục Dầu để ngược lên mạn Ðồng Trâu, Hố Sếu, qua Ngàn Trâu Danh, lên tận Bãi Thải. Ðến Bãi Thải, nhiều khi dỡ hàng xong không kịp nghỉ, đã nhận khách vội vàng để bắt con nước trở xuôi luôn. Cánh chân sào thuyền gồm mười tay trai lực lưỡng, năm người chạy be tả, năm người chạy be hữu. Công việc bao giờ cũng bắt đầu từ phía mũi thuyền, hai hàng người nhất tề lao phập những cây sào trẩy dài đầu bịt sắt xuống lòng sông, đuôi sào tỳ vào hõm vai, một người cất giọng: "Bớ dô hò..." chín người kia "dô huậy", mặt nước trước mũi thuyền rẽ thành hai làn sóng trắng hình mũi tên, mấy người chân sào cúi gầm mặt, gò lưng bước xuôi để con thuyền nặng nề lao ngược dòng. Tới đuôi thuyền, tất cả lại nhất tề rút sào, trở về đằng mũi, và lại bắt đầu đúng y như thế. Một buổi sáng thuyền về đến bến Lục Dầu, hành khách chen nhau qua mảnh ván cầu để lên chợ, có một cô gái cứ quẩn quanh dưới khoang. Ðà bước lại gần cô, cất tiếng hỏi: - Nhà chị này có hàng nặng, không ai đỡ, hử? - Không không - Cô gái giật mình hoảng hốt - Tôi có hàng gì đâu! - Sao còn loanh quanh mãi? Cô gái bỗng òa khóc: - Tôi sợ... - Sợ gì? - Sợ người ta đón bắt tôi trên ấy... Ðà hiểu ngay ra tình thế của cô gái: - à. Lại trốn chúa lộn chồng chứ gì? Phải thế cứ nói thật thì tôi giúp... Việc nên vợ nên chồng giữa hai người đã bắt đầu một cách rất đơn sơ. Tới năm giáp khởi nghĩa, gặp nạn đói khủng khiếp, khắp nơi người chết xếp chồng đống thì đứa con trai đầu lòng của vợ chồng ông Ðà đã biết chạy lon ton theo bố mẹ đi xin ăn. Vợ chồng ông Ðà dẫn cu Thấn - tên đứa con - phiêu dạt từ Phả Lại lên Bắc Ninh, Bắc Giang, rồi quay xuống Hà Nội. Họ uống nước lã cầm hơi nằm ở sân ga một đêm, một ngày. Tối hôm sau bà Ðà nói với chồng: - Cái chết là cầm chắc rồi. Nhà xem còn cách nào cứu lấy con? Ông Ðà lẳng lặng đứng dậy bỏ đi. Ông vào một cửa hàng ăn trước cửa ga đèn điện sáng trưng, đứng xòe hai bàn tay đợi hồi lâu không thấy ai cho mình chút gì. Ông đành liều thò tay vào thúng bún của chị chủ hàng, chộp một nắm. Nhưng ông vừa quay ra được vài bước, chưa xuống khỏi vỉa hè, đã ngã sấp mặt vì một cái ghế ném theo đúng giữa lưng. Vốc bún trên tay ông, không hiểu bị những người ăn mày chung quanh xô lại cướp hay bị chủ hàng giật lại lúc nào ông không hay. Lê lết về được chỗ vợ con nằm, ông Ðà nghĩ ra được một kế để họa may cứu sống được bé Thấn. Ông bế nó đến giữa chỗ đông hàng quán nhất, cắn con một miếng chảy máu ở má rồi bỏ nó lại, vùng chạy. Suốt mấy chục năm, từ thời Nhật rồi Việt Minh, rồi Pháp tạm chiếm, tới ngày thủ đô được giải phóng và mãi tận bây giờ bà Ðà trở thành công nhân ở cảng than, còn ông Ðà vẫn chỉ làm độc một cái nghề đi mài dao thuê. Chẳng ai nghĩ chuyện làm giầu bằng cái nghề nhỏ mọn này. Nhưng với ông Ðà thì lại không thể bỏ mà tìm công việc khác. Ngoài cơm gạo ra, vợ chồng ông còn phải nuôi sống lẫn nhau bằng một nguồn hy vọng. Sáng sáng, ông quẩy chiếc gánh nhẹ tênh, một bên đá mài một bên chậu nước, thả bước đến khắp mọi ngõ ngách trong thành phố, gặp bất kỳ người đàn ông trai tráng nào vào trạc tuổi bé Thấn năm xưa ông cũng nhìm chằm chằm vào bên má phải của họ. Bé Thấn "khi xưa" giống mẹ nhiều nên nó cao lớn, vai hơi ngang, mắt lá răm, khi cười có một lúm đồng tiền ở bên má bị bố cắn, chắc là thành sẹo. Hai mẹ con giống nhau ở cái dáng đi lúc nào cũng vội vàng "chân không bén đất". Ông Ðà tin vào câu tục ngữ "trai giống mẹ thì khó ba đời". Nếu trời để bé Thấn qua cái nạn đói kinh sợ ấy mà còn tới ngày nay, may mắn nó chỉ đủ tay vo miệng lốm như bố mẹ nó là cùng. Vì vậy, hễ thấy có người đàn ông nào ăn mặc sang trọng lại có chút gì hao hao giống vợ mình là ông run lẩy bẩy vì hồi hộp. Ông như bị thôi miên, chân chạy theo, mắt nhìn, miệng lắp bắp: "Lạy trời! Biết đâu!..." Dĩ nhiên lát sau ông Ðà lại ỉu xìu và tự nhủ: mình mơ tưởng thế làm gì, nên để mắt vào đám làm thuê làm mướn, chữa xe đạp, đánh xe trâu, quạt bễ lò rèn, gác cổng, thợ nề, thợ mộc... thì hơn. Chẳng bao lâu kể từ khi ông Ðà cất tiếng rao "Mài dao, mài kéo đây", ông đã có cả một đội ngũ bạn "áo ngắn" rải rác từ Gia Lâm xuống tới Ngã Tư Vọng, từ dốc Vĩnh Tuy lên tới làng Láng, làng Cót. Ông lân la nhờ các "chiến hữu" tìm thằng cu Thấn hộ mình. Những đứa trẻ bị cha mẹ bán, hoặc bị cha mẹ bỏ đường bỏ chợ trong nạn đói ất Dậu tới nay còn nhiều lắm, họ đều đã phương trưởng và đã có bố mẹ anh em gặp lại nhau. Duy có thằng cu Thấn màu da trắng, vai hơi ngang, và có nốt răng của bố để lại trên má, chưa ai gặp. Ông Ðà vẫn rong ruổi qua các phố xá nội thành, cả những làng ngoại ô. Buổi sáng, vợ chồng ông mỗi người mỗi ngả ra khỏi nhà với chút hy vọng cầu may, để rồi buổi chiều về thấy căn nhà lợp giấy dầu vẫn trống lạnh như xưa, làm bà Ðà lại nổi tam bành, nhè ông chồng mà trút hết những lời cay độc. Lâu dần hàng xóm đâm quen. Ðám đàn ông thôi làm hậu thuẫn cho ông Ðà "thi hành những biện pháp cứng rắn" đối với bà. Vài người phụ nữ vô công rồi nghề cũng thưa dần câu chuyện về bà trong những cuộc ngồi lê đôi mách. Mặc dù, khi tuổi mỗi ngày một nhiều thì sự căng thẳng giữa vợ chồng ông Ðà lại càng ngày càng khó gỡ hơn. Một ngày chủ nhật, bà Ðà ở nhà một mình, ông vẫn quẩy gánh đi như mọi khi. Thoạt tiên bà lẩm bẩm nhiếc móc cho riêng mình nghe, sau đó ngọn lửa ma quái xông lên ngực bà, thế là bà bỏ hết mọi việc ngồi ghé mép giường mặc sức réo tên ông ra mà nguyền rủa. "Cứ vác mặt về đây. Chuyến này thì bà xé xác!" - Bà tuyên án vắng mặt ông như thế, và nhăm nhăm đợi mặt trời chóng lặn để ông "vác mặt" về. Bà Ðà chẳng phải đợi lâu. Xế chiều hôm ấy ông Ðà đã lử khử quẩy cái gánh thợ mài dao về. Ném cho bà một nắm tiền lẻ toàn loại năm xu, một hào, rồi ông đi nằm. Bà Ðà thấy chồng khang khác, không những đã quên những lời đay nghiến được mài dũa suốt từ sáng, bà còn sờ tay lên trán ông. Người ông Ðà nóng chín, làm bà Ðà cuống cuồng. Mấy chục năm nay, đây là lần đầu bà Ðà nói ra những lời dịu dàng với chồng: - Nhà ơi. Tôi nấu cho nhà bát cháo đậu xanh ăn cho nó giã sốt, nhé? Ông lắc đầu, mắt vẫn nhắm nghiền. Bà lại vuốt ve bộ râu lởm chởm bạc gần hết trên cằm ông. - Dậy tôi bảo này! Chịu khó uống chén rượu. Nhé? Nhà bị cảm nắng đấy! Ông Ðà thương vợ, ứa hai hàng nước mắt. Ông muốn ngồi dậy nhích nhắc tay chân cho bà vui, nhưng sức ông đuối quá rồi. Sáng hôm sau thì ông "đi". Bà Ðà bật ngọn điện tù mù ở giữa nhà, ôm lấy thi hài ông mà lay, lắc, nhày nhã như đang đánh vật. Lúc đã kiệt sức mà vẫn không sao làm cho chồng sống lại được, bà Ðà rú lên: - Ông ơi là ông! Chai rượu tôi mua còn kia. Từ nay mua cho ai uống nữa hở trời! Tiếng khóc xé ruột gan của bà Ðà cất lên từ lúc còn tối đất. Nghe giọng bà, hàng xóm ngỡ ông bà lại xảy ra chuyện gì, nhiều người lẩm bẩm rủa bà vài tiếng rồi lại ngủ. Mãi lúc nghe kỹ, biết ông Ðà đã chết, mọi người mới choàng dậy chạy túa sang. Xưa nay cái cảnh góa bụa vẫn thường xảy ra cho loài người. Nỗi đau dội lên, uất lên một thời gian rồi dịu dần. Sự quên lãng là một trong những bản năng tự vệ giúp cho con người tồn tại được. Nhưng hình như ở bà không có cái "bản năng tự vệ" ấy. Liền mấy tháng, đêm nào bà cũng kêu thét gọi ông suốt từ đầu hôm đến sáng. Trời thì đã sang đông, gió lạnh từ mặt sông Hồng thổi thốc vào căn nhà giấy dầu thủng tan hoang do chính tay chủ nhân của nó xô, đập, cào, xé. Sang tới mùa xuân, giữa lúc cỏ cây đến con người đều xanh tươi trở lại thì bà Ðà chỉ còn da bọc xương. Một đêm không nghe tiếng bà kêu thét, sáng hôm sau hàng xóm chạy sang đã thấy bà nằm bất tỉnh giữa những mảnh chăn rách, trên mình chỉ một tấm áo dệt kim đã mốc meo và chiếc quần bảo hộ lao động bạc phếch. ở bệnh viện người ta hết lòng cứu chữa cho bà Ðà. Vài ngày sau, bà tỉnh lại biết thều thào cảm ơn những người hàng xóm đã mang cam, mang đường và luân phiên vào chăm sóc bà. "Khổ đến thế. Con người cay cực suốt đời. Khi cái sung sướng nằm trong tay thì lại lăn ra chết" - Cả khu phố bờ sông tới nay mỗi khi nhớ đến bà Ðà, bà con lại chép miệng nói thế. Số là, ở nơi bệnh viện bà Ðà nằm cấp cứu, có một bác sĩ trưởng khoa tên là Dũng, tuổi xấp xỉ bốn mươi, vai hơi ngang, nước da trắng và đôi mắt dài rất linh lợi. Một lần, khi bà Ðà đã qua khỏi cơn nguy kịch, bác sĩ Dũng đến khám bệnh cho bà theo thường lệ trong ngày. Bác sĩ bảo bà tháo áo để đặt ống nghe vào ngực bà. Anh đang chăm chú nghe tiếng tim dội thì thụp tự dưng bà già cứ nhổm người vừa nhìn sát mặt anh vừa sờ lên vết sẹo trên má anh. Bảo bà nằm yên mấy lần không được, bác sĩ Dũng phát bực gắt: - Cụ làm sao thế! Bà già không trả lời bác sĩ Dũng mà thét lên một tiếng: "Con!" làm cho cả phòng bệnh giật mình. Rồi bà tắt thở. Mọi cách cứu chữa của bệnh viện đều vô hiệu. Khi phải tự thú nhận mình hoàn toàn bất lực, bác sĩ Dũng ngồi cạnh bà Ðà, ôm mặt khóc rưng rức. Dũng là con nuôi của một cán bộ trong quân đội. Ông có tới sáu người con, thêm Dũng là bảy. Những khi gia đình tụ hội, con cháu chật nhà, ông vẫn kín đáo dành riêng cho Dũng chút chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, càng lớn lên Dũng càng thấy mình đang âm thầm ngóng đợi một con người, dù sớm muộn thế nào sẽ có một ngày con người ấy tìm ra anh... Nhiều năm về sau, vào những ngày giỗ ông bà Ðà, bác sĩ Dũng thường đưa vợ con về thăm những gia đình hàng xóm của ông bà, và thế nào anh cũng có quà đến thăm hỏi những người là bạn "hạt gạo cắn đôi" của bà Ðà hiện đang nghỉ hưu trong khu tập thể của cảng. Những người bạn của bà Ðà đều gọi Dũng bằng con, và đối xử với anh đúng như cách xưng hô. Mặc dù bà Ðà không còn, nhưng tình thương bầu bạn bà để lại vẫn còn khắp nơi nơi. Ngày nay hễ nhắc đến bà là những người bạn già của bà lại nghẹn ngào. Họ kể rằng: vào tiết đông và tiết xuân, lòng sông Hồng cạn rặc, những cồn cát nổi vờ vờ bên dưới mặt nước lắng trong dần dần, ấy là những ngày trời đất gió thổi vô hồi. Cứ sáng ra, những người công nhân phát khổ lên vì những ngọn gió lạnh như dao cắt vào da thịt. "ấy nhưng mà cháu ạ - Các bà già nói với bác sĩ Dũng - cái buổi sáng mẹ cháu "đi", trên mặt sông cũng như trên bến cảng, trời bỗng dưng lặng phắc, không một hồi gió. Như thế là hồn thiêng lắm!". 19 - Hàng Buồm - Hà Nội 8-1985

Bây giờ con mới hiểu

Y ban Khoanh tròn trong chiếc kén thiếu nữ của ngày cuối cùng, tôi nhìn theo mẹ. Mẹ còn trẻ quá. Tóc mẹ chưa bạc sợi nào. Lưng mẹ thẳng và dáng đi nhanh nhẹn. Mẹ trân trọng bưng lễ vật để lên bàn thờ bố. Mắt mẹ dịu dàng vô biên. Và một nét cười bừng lên trong ánh mắt mẹ - "Con gái chúng mình đi lấy chồng rồi đấy". Rồi đột ngột nước mắt đã lại dâng đầy. Mẹ quay nhìn xuống ngực mình, rồi mẹ nhìn trải khắp gian phòng. Ngày mai, khi tôi chui ra khỏi kén, tôi thành ngài, sinh con đẻ trứng, mẹ sẽ chỉ còn lại một mình với căn phòng trống vắng. Mẹ còn trẻ quá, nỗi cô quạnh trùm lên mẹ trong quãng đời còn lại. Ai sẽ làm thay đổi được điều đó? Sẽ chẳng thay đổi được số phận đâu. Chiến tranh qua đi để lại muôn vàn những góa phụ như mẹ tôi. Nhưng có lẽ một đứa con, một giọt máu thương yêu để lại giữa hai điểm ngắm sẽ làm dịu bớt phần nào. Và chính tôi, một con bé bảy tuổi ngày ấy đã không mang lại cho mẹ một cơ may cuối cùng. * * * Bố nhập ngũ tôi còn bé lắm. Nỗi nhớ bố chỉ cất thành tiếng khóc chứ chưa biết nói lên lời. Người vợ trẻ nhớ chồng không biết san sẻ cùng ai cũng hòa thành tiếng khóc. Hai mẹ con sống trong một căn hộ tập thể. Ban ngày mẹ đi làm, tối về hai mẹ con thủ thỉ nói chuyện về bố. Tôi lớn hơn một chút, mẹ thường mang tập album ra chỉ cho tôi ảnh bố. Cứ như bố vừa sang hàng xóm và sắp về đó thôi. Sự thực thì hai mẹ con mang hai nỗi niềm nhớ thương bố khắc khoải. Buổi trưa hôm ấy bố về nhà đột ngột. Hai mẹ con đang ngồi ăn cơm. Mẹ sững sờ buông rơi chiếc bát. Con trân trân nhìn bố một lúc. Thấy đúng bố rồi, òa reo lên nhưng vẫn bẽn lẽn nấp vào vai mẹ. Bố bế bổng con lên, quay cuồng. - Chao ôi, lớn thế này rồi kia à? Mà bảy tuổi rồi phải không? Bố vẫn đếm mà! Rồi bố ôm lấy mẹ. Bố hít mãi vào tóc mẹ, thì thầm: - "Hai giờ thôi em ạ. Tàu đỗ ngoài ga, hai tiếng nữa. Mẹ rối rít cứ chạy xung quanh bố. Mẹ bế lấy con rồi lại đưa cho bố. Ngoài cửa có mấy người đi qua thì thào: - Hình như chú Quân nhà cô Nga về thì phải? Mẹ như sực tỉnh. Mẹ chạy ra đóng chặt cửa. Tôi ngồi trong lòng bố sung sướng. Nỗi sung sướng muốn trào ra ngoài. Tôi muốn chạy ra báo cho cái Hoa, thằng Tú biết rằng bố đã về. Tôi tụt xuống khỏi lòng bố. Tôi chạy ra mở cửa. Mẹ không bằng lòng kéo tay tôi lên. Mẹ bế tôi ôm chặt vào lòng ngồi xuống bên cạnh bố. Mẹ áp vào lưng bố. Bố ôm mẹ vào ngực. Mẹ thổn thức. - Ðừng khóc em ạ. Tôi ngơ ngác nhìn mẹ. Sao phải khóc kia chứ. Vì sao lại đóng cửa thế kia. Mở to ra cho các bác hàng xóm vào chơi uống nước. Các bác ấy cười nói vui lắm, mẹ sẽ hết khóc ngay. Con sẽ ngồi vào giữa lòng bố thế này, cho cái Hương hết hãnh diện nhé. Nó làm như chỉ có mình bố nó về hôm nọ. - Sao mẹ lại khóc. Con chạy ra mở cửa gọi các bác hàng xóm sang chơi cho mẹ vui nhé. Xong tôi tụt ngay khỏi lòng mẹ chạy ra mở cửa. Mẹ chạy theo định nắm tay tôi lại - Ðừng con! Rồi như mẹ chợt nghĩ ra điều gì đó: - A, mẹ cho con năm hào này. Con sang rủ cái Hoa ra đầu phố mua kem mà ăn. - Vâng ạ. Tôi cầm tiền vung vẩy chạy. Cái kem trong phút chốc làm cho tôi quên mất bố. Tôi chạy ù sang rủ cái Hoa. Hai đứa vừa ra đến cổng gặp ngay bà bán kem rong. Tôi mua cho nó một chiếc, tôi một chiếc. Tôi đưa kem lên miệng rồi chợt nghĩ ra. - Bố tớ về rồi đấy! - Bố cậu về à? Sao không gọi cho tớ biết với. - Vừa về xong. Sang nhà tớ đi. - Ðể tớ về bảo cho mẹ tớ biết đã. Thế rồi mồm nó hét toáng lên từ cổng. - Mẹ ơi! Bố bạn Loan về rồi. Chú Quân đi bộ đội về rồi. Tôi cũng chạy ào về nhà. Tôi muốn chạy vào lòng bố ngồi chễm chệ trước khi mọi người đến. Tôi muốn mọi người biết rằng, tôi có bố đây này, bố tôi về đây này. Bao nhiêu lần tôi thèm cái cảnh cái Hương ngồi giữa lòng bố nó. Cánh cửa đóng kín sững trước mắt tôi. Tôi đẩy cửa, cửa chốt từ bên trong. Tôi đẩy cửa sổ, cửa sổ cũng cài kín. Tôi căng mắt nhìn qua lỗ khóa. Trong nhà tối om, tôi không sao nhìn thấy gì. Tôi đứng im băn khoăn, hay là bố mẹ đi vắng. Tôi nhìn chiếc khóa vẫn lủng lẳng một bên. Nếu bố mẹ đi đâu sẽ phải khóa cửa chứ. Tôi áp tai vào cửa nghe ngóng. Chợt tôi nghe thấy tiếng mẹ nho nhỏ. Thế là tôi biết bố mẹ vẫn ở trong nhà. Một nỗi dỗi hờn con trẻ áp vào lòng tôi. Tôi bị bỏ rơi. Tôi đập vào cánh cửa. - Mẹ ơi, mở cửa cho con vào với. Im lặng. Tôi đập mạnh hơn. - Mẹ ơi, mở cửa cho con. Im lặng. Tôi gào lên và chợt nhớ ra có cả bố ở trong ấy nữa. - Bố mẹ ơi, mở cửa cho con vào nhà với. Cái Hoa đã đứng bên cạnh tôi từ lúc nào. Nó ngơ ngác nhìn tôi. - Sao bố mẹ cậu lại đóng chặt cửa không cho "ấy" vào. Loáng thoáng vài ba người hàng xóm đi qua trước cửa nhà xem có chuyện gì. Tôi uất ức trào nước mắt. Tôi khóc ầm lên. - Bố mẹ ơi cho con vào với. Bố chạy xô ra trước. Bố ôm lấy tôi, úp mặt vào bụng tôi cù. Tôi đẩy bố ra. Mẹ đang vấn lại tóc cho gọn, rồi mẹ chạy ra mở toang cửa. Mẹ nhìn thấy cái Hoa đang ngơ ngác nhìn mẹ và mấy người hàng xóm nhìn mẹ cười. Mẹ cáu bất ngờ. Mẹ xông vào tôi phát lấy phát để rồi òa khóc. Thế là hai mẹ con tôi cùng khóc. Cái Hoa thấy thế cũng chạy lại bên bố tôi khóc. Bố bật cười gỡ mẹ ra. - Bình tĩnh lại nào, con có lỗi gì đâu. Mẹ ôm mặt khóc nức nở. Tôi bỗng sợ hãi. Tôi không khóc nữa. Tôi ngước mắt nhìn bố. Mặt bố sạm đen sắt lại như đang dồn nén một điều gì đó. Bố bỗng nhìn ra xa, vụt ra khỏi cửa. Tôi khẽ kéo áo bố. Bố như bừng tỉnh. Bố cúi xuống cười với tôi. - Con ngoan của bố, con có nhớ bố không? - Con yêu bố. Mẹ vẫn khóc. Bố quàng tay ôm mẹ vào ngực. Bố ôm gọn cả mẹ và tôi. - Ðừng khóc nữa nào. Em yêu của anh. Sắp đến giờ anh phải đi rồi. Ðừng làm cho con sợ. - Em mong anh từng ngày. Em muốn có thêm một thằng cu... bom đạn nhỡ anh có mệnh hệ nào. Con bé này lớn lên sẽ đi lấy chồng... Còn có một mình em... Bố cười rất tươi, bố thì thầm rất nhỏ vào tai mẹ: - Anh sẽ quay về khi em còn rất trẻ. Sẽ không lâu nữa đâu. - Vâng, lần trước anh cũng bảo thế. Vậy mà đã năm năm rồi. Năm năm nữa em sẽ ba hai. Bố lại cười: - "Gái ba mươi tuổi đang xoan". - Anh, mẹ dúi đầu vào ngực bố cười. - Nào chúng ta cùng vui lên chứ. Bố vòng tay kéo đầu con, đầu mẹ vào đầu bố, ba cái đầu đập nhẹ vào nhau. Cả nhà phá lên cười. Như chờ có tiếng cười ấy, hàng xóm bắt đầu kéo nhau vào. Họ đã ngấp nghé cả ở ngoài. Phút chốc cả nhà đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ. Mỗi người góp một câu. Mắt mẹ long lanh sung sướng. Hai tiếng đồng hồ trôi qua như một cơn mơ. Mẹ thảng thốt không biết xếp thêm thứ gì vào ba lô cho bố. Bố bế tôi và hàng xóm đưa tiễn, cả một đoàn người dài. Mẹ con tôi đi với bố ra tận bến tàu. Bố cứ liếc mẹ như định nói một điều gì, mẹ lại đưa mắt nhìn tôi, nên bố chỉ cười. Lúc bố lên tàu mẹ lại òa khóc. Tôi an ủi mẹ: - Mẹ khóc làm gì, bố không chết đâu. - Em nghe thấy không? Anh không chết được đâu. Lời nói con trẻ như lời tiên tri em ạ. Chờ anh nhé. Rồi bố giơ ngón tay cái sát mặt mẹ: - Một thằng con trai! Chiến tranh không có ngoại lệ. Bố ra đi vĩnh viễn. Thế là đã ba lần năm năm bố không về nhà và đấy cũng chính là thời gian để tôi đã lớn khôn. Sẽ trọn mười lần, hai mươi lần năm năm nữa, bố mãi mãi không bao giờ trở về để lại mẹ suốt đời với một niềm khao khát thiếu phụ dở dang. Hà Nội Ngày 26 tháng 11 năm 1993

Bầu trời của người cha

Nguyễn Quang Thiều Bữa cơm tối của người cha tàn tật thường kéo dài đến hai tiếng đồng hồ. My vừa cho cha ăn vừa dỗ dành ông như dỗ một đứa trẻ ốm yếu. Trong chiếc ghế mây rách có lót một cái ruột gối cũ, ông run rẩy như một con chim non mới mọc lông măng. Người cha trệu trạo nhai từng thìa cơm. Trán, cổ và hai thái dương trắng xanh của ông túa mồ hôi. Ðôi môi ông vất vả ngậm thìa cơm như con chim non phải giữ con mồi khỏe bằng cặp mỏ mềm của mình. Thời gian đầu, cứ mỗi khi bón cơm cho cha My lại khóc. Người cha cũng khóc không thành tiếng. Hai năm trở lại đây cô không khóc nữa. Thay vào đó, cô nhí nhảnh kể cho cha cô nghe những chuyện đại loại như cây hoa trà ông trồng giờ đang trổ nụ, những chậu xương rồng nhiều loại của ông mọc thêm rất nhiều nhánh, hay buổi sáng nào đó trong vườn nhà xuất hiện một con chim lạ, giọng con chim rất trong và mảnh như tơ nhện. Cô cứ kể những chuyện như thế cho tới khi người cha ăn xong thìa cơm cuối cùng. Ðặt cái bát sang một bên, và lúc nào ngay sau đó cô cũng nói với người cha: "Ba đã hoàn thành nhiệm vụ. Con quyết định tặng huân chương cho ba". Người cha cố ngước mắt nhìn con và cười. Và chỉ có cô mới biết là ông đang cười. Ngày nào cũng vậy, bữa ăn thường kết thúc vào lúc những tia nắng cuối cùng trong ngày tan biến trong vòm lá bên cửa sổ. Và mảnh trời nhỏ nhìn qua ô cửa sổ ngả sang mầu dâu chín. Hai cha con My ngồi im lặng bên nhau. Cô đặt những ngón tay gầy và hơi lành lạnh của người cha trong bàn tay nhỏ nhắn của cô. Cả hai cha con cô ngồi như bất động nhìn về phía mảnh trời nơi có những ngôi sao bé bỏng và ướt át thường hiện lên rất sớm vào những đêm không mây. Bóng tối của đêm thường bắt đầu ùa kín những góc nhà, rồi sau đó lan vào gầm giường và gầm bàn ghế. Khi bóng tối đã ùa kín căn phòng thì là lúc hình như hai cha con nghe rõ hơn tiếng gió đi qua những tán cây ngoài vườn. Trong bóng đêm rộng lớn và bí ẩn trùm xuống, những tiếng xào xạc quen thuộc bỗng trở lên huyền bí như từ những ngôi sao xa xăm vọng về. Cũng lúc ấy, My thấy những ngón tay của người cha ấm dần lên. My khẽ ngước mắt nhìn cha. Trên gương mặt bệnh tật của ông hắt mờ mờ một thứ ánh sáng từ đâu đó. My nhận thấy đôi mắt cha cô như tối hơn và cũng như rạng rỡ hơn. Những giây phút như thế cô không dám thở mạnh. Cô biết cha cô đang bước từng bước mê dại trong ý nghĩ lạ lùng về phía vòm trời kia. Rồi ông khóc. Và chỉ có My mới biết được cha mình đang khóc. "Ba đi nghỉ đi BA. BA NGỒI LÂU QUÁ RỒI". CÔ NÓI VÀ ÐỨNG DẬY BẬT ÐÈN. ÁNH sáng tràn ngập căn phòng. Ðâu đó trên tường có bóng một con gián thấy ánh sáng vội chạy vào một khoảng tối gần đó. My đỡ người cha lên giường và bắt đầu bài xoa bóp chân tay cho cha theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khoảng chín giờ tối cô buông màn cho cha. "Con chúc ba ngủ ngon", cô nói và hôn lên trán người cha lúc nào cũng như lấp dấp mồ hôi. Sau đó cô tắt đèn và đứng một hồi lâu trong bóng tối bên giường cha. Khi cô quay ra cửa thì giật mình nhận ra có người đang đứng tựa vào một bên cánh cửa. "Mẹ đây", bóng người nói. "Mời mẹ sang phòng bên", My nói sau một lát im lặng. "Mẹ vội. Mẹ muốn nói chuyện với con một chút", người đàn bà nói. "Có chuyện gì không mẹ?", My hỏi, giọng cô như quá mệt mỏi. "Mẹ đến chỉ để nói với con chuyện công việc của con thôi. Mẹ đã xin cho con làm họa sĩ trình bày ở một tờ báo đang thịnh hành, lương KHỞI ÐIỂM KHOẢNG DĂM TRĂM NGÀN. NHƯ THẾ... SẼ ÐỠ CHO CON. Ý con thế nào?". "Con vẫn dạy vẽ và tiếng Anh cho bọn trẻ con cùng phố. Tiền thu nhập cũng đủ chi tiêu. Vả lại... ba con con cũng không đòi hỏi gì nhiều lắm". "Nhưng còn công việc của con, còn tương lai của con", bà mẹ ngập ngừng. "Tương lai của con ư? - My khẽ bật cười - Cái đó thì mẹ khỏi lo. Còn công việc... con cũng đang làm việc đấy chứ". "Không, con phải đi làm. Mẹ đã tốn khá nhiều tiền để xin chỗ làm cho con". "Mẹ làm thế để làm gì - My chau mày - Nếu con đi làm thì ai trông coi ba". "Ðấy cũng là điều mẹ muốn nói với con - Giọng bà mẹ chợt hồ hởi - mẹ sẽ bỏ tiền ra thuê người chăm sóc cho ông ấy, con đừng lo". "Chẳng ai có thể chăm sóc ba con bằng con cả - My nói và thở dài - không ai có thể hiểu được ba, ngay cả...". Cô định nói: "Ngay cả chính mẹ", nhưng cô lại thôi. "Sao lại không có ai chăm sóc được ông ấy. Chỉ cần trả công khá một tí là khối kẻ tranh việc, mà có phức tạp gì đâu. Mỗi ngày cho ăn hai bữa, đổ bô vài lần và giặt một bộ quần áo mỏng". Trong bóng tối hiên nhà, My nhìn mẹ cô im lặng, mãi lâu sau cô mới nói: "Mẹ về đi, hôm nay con mệt lắm". Nói xong, cô bước xuống chiếc sân nhỏ. Bà mẹ lặng lẽ bước theo. My mở cổng và có ý để bà mẹ đi về. Bước đến cổng, mẹ cô dừng lại trước mặt cô và nói: "Con phải suy nghĩ cho kỹ đi. Mẹ lo cho con". "Cảm ơn mẹ", My nói và lại bật cười khe khẽ. Cô đóng cửa và vội vã đi vào trong nhà. Hơn một tháng trở lại đây, mẹ cô thường đến thăm cô vào buổi tối. Bà thường đứng ngoài cửa buồng cha cô và lặng lẽ nhìn vào. Bà đứng đó đợi My cho đến khi My đã buông màn cho người cha đi ngủ. Lần nào bà cũng nói đến chuyện công việc của cô. Và lần nào My cũng chỉ đứng trong hiên nhà trong bóng tối mệt mỏi nói chuyện với mẹ cô. Cuối cùng lúc nào cô cũng nói với mẹ cô câu: "Con mệt lắm, mẹ về đi", rồi bước ra mở cổng. Có tiếng xe máy nổ và xa dần. My chậm rãi bước vào nhà. Căn phòng nhỏ của cô chưa BẬT ÐÈN VÀ ÐẦY MÙI THUỐC VẼ. Ở góc phòng cạnh cửa sổ mở ra vườn, tấm toan trắng hắt sáng mờ mờ. My lần từng bước trong bóng tối đến trước giá vẽ và ngồi xuống. Cô đưa những ngón tay nhỏ chạm khẽ lên mặt toan. Hơn một năm nay cô đã đợi chờ những mảnh mầu kỳ diệu từ đâu đó sau tấm toan hiện về. Nhưng mỗi lần vẽ xong cô lại càng thấy thất vọng hơn. Cô đã điên khùng rạch nát không biết bao nhiêu tấm toan. Và cũng đã bao nhiêu lần cô gục khóc trên giá vẽ. Cô khóc không phải vì sự thất bại trong nghệ thuật. Nói đúng hơn, chưa bao giờ cô đeo đuổi một thành công nào đó trong nghệ thuật. Cô chỉ vẽ như cô cần phải vẽ. Cô khóc về sự bất lực trong tình yêu của cô đối với người cha bệnh tật. Cha cô vốn là một phi công lái máy bay quân sự trong chiến tranh. Sau giải phóng ông chuyển sang lái máy bay dân sự. Sau mỗi chuyến bay trở về, ông say đắm kể cho mẹ con cô nghe về những vùng trời ông đã đi qua. Ông quen thuộc những vùng trời tưởng như vô định ấy như mảnh vườn nhỏ của gia đình ông, hoặc như làng quê ông bên bờ sông Hàn. Nhiều đêm, những câu chuyện của người cha đã đưa cô đến những vùng trời ấy trong giấc mơ. Cô gặp những đứa bé trong suốt vừa bay vừa hát bên những bông hoa lạ. "Hoa này là hoa gì, bạn nhỉ?", cô hỏi. "Hoa Anh My", những đứa bé đồng thanh nói như hát. "Ôi! Cùng tên với mình đấy - Cô thích thú kêu lên - Thế những con chim vàng óng kia là chim gì?". "Chim Tao Linh đấy". "Tao Linh à, mình chưa bao giờ nghe nói đến loài chim này - Cô hơi nghiêng đầu và nhíu mày. Rồi cô nhoẻn miệng cười và nói - Ba mình cũng hay bay qua đây, các bạn có biết không?". "Ba của bạn à? - NHỮNG ÐỨA BÉ HỎI VÀ NHÌN NHAU - À, chúng mình nhớ rồi. Ba của bạn cười giống bạn lắm. Ông đến đây và thường quỳ trước những bông Anh My. Mặt ông hơi ngửa lên, đôi mắt khép nhẹ và say đắm trong tiếng hót của bầy Tao Linh. Nhưng ông đã...". Lũ trẻ nói đến đó chợt im lặng và nhìn nhau khác thường. "Ba bạn đã... đã mang hương hoa Anh My và tiếng hót Tao Linh về mặt đất. Lẽ ra lúc này thì chưa nên, nhưng không sao đâu, bạn đừng lo", lũ trẻ an ủi My. "Thế ba mình...", My định hỏi tiếp một câu thì chợt nghe một tiếng nổ. Những đứa bé vụt biến mất. My tỉnh giấc. Ngọn đèn ngủ vẫn tỏa ánh xanh nhạt trong nhà. Qua màn, My nhìn thấy ba mẹ cô đang ngồi quay ra cửa. Trên nền nhà có những mảnh cốc vỡ. "Tôi không chịu nổi cuộc sống như thế này nữa rồi", mẹ cô tức tưởi nói. "Anh chưa làm một điều gì xúc phạm đến em cả. Anh không hiểu vì sao lâu nay em luôn luôn cảm thấy khó chịu khi anh về". "Anh không hề nghĩ đến cái gia đình này. Anh cần những vùng trời của anh. Anh mang về cho mẹ con tôi những gì từ đấy. Những mây, sao, gió máy của anh không thể bán lấy tiền được". "Anh nghĩ gia đình mình rất hạnh phúc. Sinh hoạt cũng không thiếu thốn lắm". "Hạnh phúc - Mẹ cô bĩu môi - Anh đến nhà đồng nghiệp anh mà anh không thấy ngượng à. Họ cũng bay như anh. Sau những chuyến bay họ mang về cho vợ con họ những thứ cụ thể. Còn anh chỉ thấy mang về cho vợ con anh những thứ ngớ ngẩn, hão huyền, hết sức vô dụng". "Em im đi. Em khác xưa quá nhiều rồi đấy". "Tôi không khác gì xưa cả. Chẳng qua anh không nhận ra sự thật của cuộc đời này mà thôi". Mẹ cô nói và đứng phắt dậy đi sang phòng bên. Ba cô lắc đầu và đốt thuốc hút. Sau lần ấy, sau mỗi chuyến bay trở về, ba cô lặng lẽ và hay thở dài. Ông không còn háo hức kể về những chuyến bay của ông như trước nữa. Một hôm cô hỏi người cha. "Sao ba không kể cho con nghe về chuyến bay của ba?". Người cha cúi xuống nhìn cô. Rồi như quên hết mọi phiền muộn, ông lại say sưa kể cho cô nghe về một vùng trời nào đó của ông. Phòng bên cạnh, mẹ cô vứt mạnh những vật gì đó và mắng chửi cay nghiệt con mèo hoa tội nghiệp. Người cha ngừng câu chuyện đang kể cho cô con gái của ông. Ông bước sang phòng mẹ cô. Và cô nghe thấy tiếng ba cô rất nhỏ. "Em làm gì thế? Em có biết anh đang nói chuyện với con không?". "Con My lớn rồi. Nó sắp ra trường và phải đi làm. Cần phải giáo dục cho nó biết những điều cụ thể của cuộc đời mà nó sẽ đón nhận, chứ không phải những điều lảm nhảm vô bổ". "Chính cô đang phá hoại tâm hồn của con, cô biết không. Trước hết con người phải có một tâm hồn đẹp, rộng lượng và biết tha thứ, chứ không phải là một con người tham lam ích kỷ hay thù vặt". "Vâng, tôi tham lam, tôi ích kỷ và hay thù vặt. Nhưng thưa anh, tôi còn biết lo toan trước mỗi bữa ăn của con, còn anh, anh viển vông và điên rồ quá rồi". "Như vậy - Cha tôi chợt im lặng rất lâu - như vậy chẳng còn gì cho chúng ta có thể nói chuyện với nhau được nữa". Nói xong ba cô bỏ đi ra khỏi nhà, mãi khuya ông mới trở về. Một buổi sáng ít ngày sau đó, người cha phờ phạc nói với cô: "Ba và mẹ đã quyết định chia tay nhau. Chắc con cũng tự biết trước điều này". My nấc lên khi nghe người cha nói vậy. Cô bỗng thấy hoảng sợ và cô đơn khủng khiếp. Buổi tối đó, cô đến trước mẹ cô. Cô ngồi xuống trước mẹ rất lâu và nói. "Mẹ nghĩ lại đi, mẹ ạ". "Con ranh con - Mẹ cô trừng mắt giận dữ - Mày cũng nhiễm cái thói mơ mộng vô bổ của ba mày rồi đấy. Cuộc đời sẽ dạy cho mày biết". Rồi ba mẹ cô ra tòa và lặng lẽ chia tay nhau. Mẹ cô về ở với bà ngoại cô và lấy một người đàn ông khác sau đó năm tháng. My ở lại với người cha và gấp rút chuẩn bị cho năm học cuối cùng ở trường Mỹ thuật. Người cha vẫn thỉnh thoảng xa nhà với những chuyến bay. Ông ít kể về những chuyến bay của ông. Nhưng vào những buổi hoàng hôn, ông thường ngồi im lặng trên chiếc ghế bành bọc vải nhung nhìn qua cửa sổ. Khi My vừa kết thúc năm học cuối cùng thì cha cô bị tai nạn giao thông và bị liệt nửa người. Biết bệnh tình của người cha khó có thể hồi phục. My quyết định ngừng xin việc làm. Cô mở lớp dạy vẽ và tiếng Anh cho bọn trẻ con cùng phố để kiếm tiền sinh sống và tiện có thời gian chăm sóc cha. Ðêm đêm cô thường phải thức giấc nhiều lần để trở mình cho cha và giúp ông tiểu tiện, và ngày ngày, khi hoàng hôn từ từ buông xuống, ông lại yêu cầu cô đỡ ông ngồi vào chiếc ghế bành bọc vải nhung để nhìn về phía vòm trời nho nhỏ qua ô cửa sổ. Khi bóng tối đã trùm kín căn phòng thì người cha thì thầm: "Vùng trời... vùng trời, cha muốn trở lại... vùng trời". Những lúc ấy, giọng người cha lạ lùng và xa xăm. Cô cảm thấy rùng mình và thương cha vô hạn. Một đêm trong căn phòng của cô đầy mùi thuốc vẽ, trong đầu cô lóe lên ý nghĩ mang lại cho người cha vùng trời của ông về trên toan. Sau ý nghĩ ấy, cô lao vào giá vẽ. Cô vẽ trong sự hoảng sợ mộng mị và mơ hồ về người cha. Và suốt hơn một năm qua cô đã vẽ, đã thất vọng và đã khóc. Ðêm đêm, cô đứng lặng hàng tiếng đồng hồ bên cửa sổ nhìn mãi vào vùng trời có những ngôi sao bé bỏng, ướt át và đầy bí ẩn kia. Cô như thoáng nghe thấy tiếng nói thì thầm của những ngôi sao và những vầng mây bạc trong những đêm sáng trăng. Cô nghe thấy cả tiếng bầy kiến gọi nhau trên những song cửa sổ trong cuộc hành trình muôn đời không ngủ của bầy kiến. Cô nghe thấy cả tiếng con chuột lơ đễnh rơi từ giàn gấc xuống vườn. Một cảm giác lãng đãng và bạc trắng lan tỏa khắp cơ thể cô. Cô lao vào giá vẽ và vẽ cho đến khi tưởng chừng như kiệt sức. Ðể rồi sáng sau tỉnh giấc, cô lại khóc cho những mảng mầu lạnh lẽo và bất động. Mấy ngày trước, vào một buổi sáng có nắng, cô mang chiếc va-li đựng những đồ lặt vặt của người cha ra phơi. Trong va-li cô thấy cuốn nhật ký của người cha. Cô cầm cuốn nhật ký bước vào hiên nhà ngồi xuống và đọc. "Ðêm qua mình tỉnh giấc mà Lan (tên mẹ cô) không hay biết gì. Hình như chưa bao giờ Lan mất ngủ. Lan vẫn đẹp và đầy sức sống như ngày mới cưới. Và... Lan chưa bao giờ hiểu mình. Sao những đêm tỉnh giấc mình hay nghe thấy những tiếng gì đó mơ hồ gọi mình. Mình thấy cô đơn". "Mình đã sống một tuổi thơ đầy cô đơn và ốm yếu. Không quên nổi những chiều mưa mờ mịt bên bờ sông Hàn. Ba đi thuyền chưa về. Má cũng đi chợ xa bán cá. Ngôi nhà lá nhỏ bên sông lúc nào cũng tối và đầy mùi ẩm ướt của mùa mưa. Mình ngồi thu lu trong góc nhà. Ðói và tủi. Rồi ba má mất sớm, mình theo một người bác đi thuyền. Ðã bao nhiêu buổi chiều mình ngồi khóc nức nở trong mưa trên mui thuyền". "Cái mình cần là hơi ấm của con người. Nhưng đời sống càng đầy đủ thì con người càng xa nhau. Cái mà những người đang sống quanh mình tìm kiếm là đồng tiền. Ðồng tiền hết sức cần thiết. Nhưng vì nó mà con người lao vào như rồ dại, cắn xé lẫn nhau, nghi ngờ nhau và căm thù nhau". "Sao từ ngày cưới nhau đến giờ, Lan chưa một lần thức dậy trong đêm và thì thầm những điều gì đấy với mình. Lan giày vò mình vì những chuyện gia đình như sắm sửa, xây cất. Lan bực tức với những người giàu hơn và tỏ vẻ khinh bỉ những người đói kém. Mình đã từng đói khát và tủi nhục. Nhưng mình không thể sống được khi chỉ nghĩ đến cái dạ dày căng tròn và lầy nhầy". "Những lần bay qua những vùng trời vô tận, sao mình cứ ước được bước ra khỏi khoang lái. Tất cả những gì trong khoảng mênh mông của vũ trụ mà mình cảm nhận được lại làm cho mình yên tâm tin mình khi đi trên mặt đất. Những cơn mê làm mình hạnh phúc và muốn khóc. Mình thèm khát được ngồi im lặng trong hoàng hôn và vùi bàn tay trong mái tóc đẹp lạ lùng của Lan. Lan không bao giờ ý thức được trong bóng tối. Lan quá rành rọt với những thứ mà có thể đếm được dưới ánh sáng đơn giản". Ðêm nay hình như trời trong hơn. Có lẽ cũng đã khuya. My áp mặt vào những song gỗ cửa sổ. Bỗng cô nghe thấy tiếng cha gọi. Cô vội vã đẩy cửa bước sang phòng người cha. "Có con rắn... đang quấn... chân ba". Nghe người cha nói, My hốt hoảng lật chiếc chăn dạ mỏng và sờ soạng đôi ống chân người cha. "Không có gì đâu ba ạ. Chắc ba mê ngủ đấy", My nói và ngồi xuống mép giường bóp chân cho cha. "Nó bò đi rồi hả con?" - người cha thì thào. My không nói được. Cô gật đầu, khi người cha trở lại giấc ngủ, cô đứng dậy tắt đèn và trở lại phòng mình. Cô bước trang nghiêm và quyết liệt đến bên giá vẽ. Cô nhìn xuống và nhìn ra cửa sổ. Những ngôi sao như đang bay về. Hình như đêm nay có trăng non. Những song gỗ cửa sổ ánh lên. Cô ngửi thấy hương Anh My, tiếng hót của bầy Tao Linh, tiếng ríu rít của bầy trẻ trong suốt như pha lê. Cô thấy đôi mắt người cha căng lên như hai tấm toan chờ đợi. "Con, My đâu... con... " - người cha gọi. My lảo đảo bước sang phòng cha. Cô bật đèn. "Ba gọi con ư?". "Ba thấy người nóng quá. Hôm nay mẹ con có đến không?" "Có ba ạ" - Cô trả lời sau một thoáng lưỡng lự. "Mẹ bảo gì con không?". "Mẹ đến thăm ba" - Cô cố gắng nói. "Có bao giờ con thấy mẹ khóc không?". "Dạ...". "Ba thấy... nóng quá, mà, mà lạ lắm. Mẹ có khóc hả con? Mẹ đến thăm ba sao không nói cho ba hay. Lan... có khóc...". "Ba ngủ đi ba. Mai con sẽ mượn cái xe đẩy để đưa ba ra Hồ Tây". My kéo tấm chăn dạ mỏng đắp ngực người cha. Rồi cô trở về phòng mình và ngồi xuống trước giá vẽ. Cô thấy người nóng lên ghê gớm. Cô cầm lấy bút vẽ. Cô bật hai ngọn đèn dùng để vẽ đêm mà ba cô đã mua cho cô. Ðến gần trưa hôm sau My mới tỉnh dậy. Khi vẽ xong cô kiệt sức và gục xuống sàn nhà. Cô mở mắt ngơ ngác. Nắng tràn ngập ô cửa sổ phòng cô. Cô nhìn vào bức tranh và kinh ngạc. Cô nhận thấy có bóng cha cô trong suốt đang bay trong đó. Cô nhớ đến cha. Cô vội chạy sang phòng cha. Người cha nằm yên lặng. Gương mặt ông như đang trôi trong vô tận. Người cha đã trút hơi thở cuối cùng khi My vẽ xong nét vẽ cuối cùng. My quỵ xuống bên mép giường. Hình như cô nghe thấy người cha hổn hển hỏi: "Có bao giờ con nghe thấy mẹ khóc không?". Ðôi môi cô mấp máy như trả lời: "Mẹ sẽ khóc, ba ạ".

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

Chèn quảng cáo GA vào bài viết

Trong bài viết này , chúng ta sẽ cùng bàn tới cách đưa quảng cáo (ads) đến mọi vị trí trong Blog như: phía trên hay dưới của phần post, chèn lẫn vào bài viết hoặc chèn vào các sidebar... 1) Sử dụng Blogger Feature: Nếu bạn muốn đưa ads tới phía dưới mọi bài viết hay chỉ một bai viết thì hãy sử dụng Blogger Feature. Bạn vào Template--> Page Elements, bạn chọn Edit ở phần Blog Posts. Xem hình dưới: Muốn chèn qc như hương dẫn trên bạn cần xác nhận mình đã có tài khoản của Google Adsense. Cách để xác nhận rất đơn giản , trong Page Elements bạn chọn Add a Page Element. Trong cửa sổ Add a Page Element, bạn chọn Adsense rồi điền các thông tin cần thiết vào đó. 2) Lấy code ads trực tiếp :Bạn đăng nhập vào tài khoản của mình trong Google.com/adsense. Bạn copy và paste đoạn code của quảng cáo vào trong những vị trí bạn muốn. 3) Để có thể đưa ads vào trong bài viết bạn cần làm như sau: Hãy vào Edit HTML và lưu template. Bạn click vào Expand Widget Templates (xem hình) Bạn tìm đoạn code sau:

Nếu bạn muốn đưa ads vào giữa tiêu đề và bài viết hay bên trong bài viết, bạn chèn đoạn mã dưới đây lên đầu đoạn mã da cam. Còn nếu bạn muốn đưa ads xuống dưới mỗi bài viết, hãy chèn đoạn mã dưới đây xuống dưới doạn mã mầu da cam. Đoạn mã bạn cần chèn:
Bạn chèn đoạn mã quảng cáo của bạn vào đây
(Ở đây tôi đưa ads của mình sang bên phải bài viết, bạn có thể chuyển nó sang bên trái nếu bạn thích.) Bạn có thể chỉnh khoảng cách giữa ads với bài viết bằng cách thêm đoạn mã mẫu xanh vào vị trí như sau:
Bạn chèn đoạn mã quảng cáo của bạn vào đây
Nếu bạn chưa biết về margin, bạn có thể tham khảo bài viết Tìm hiểu Margin và Padding. Để ads có thể hiển thị trong bài viết của bạn, bạn cần thay đổi một chút mã của ads. Nếu bạn nghĩ rằng điều đó đi ngược lại quy định của Google Adsense thì bạn đã sai. Nhưng thay đổi mà tôi đưa ra sau đây chỉ nhằm làm mã của ads phù hợp với mã nguồn của template. Nếu có sự khác nhau, những ads của bạn sẽ không thể hiển thị. Việc thay đổi mã như sau: Adsense Tips Sau khi thay đổi xong bạn chèn đoạn mã đó như hướng dẫn ở trên và preview trước khi save nhé. Chúc bạn thành công. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Mong sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các bạn để giúp hoàn thiện nội dung bài viết hơn.. Chúc các bạn có 1 ngày vui vẻ!

Tuy chinh Blogger

Rất nhiều blogger đều muốn thay đổi Blog Post của họ. Có người muốn dòng chữ "Posted By" xuất hiện ngay dưới tiêu đề bài viết, có người lại muốn bỏ đi thời gian bài viết được đăng..Tuy nhiên việc này sẽ rất khó khăn nếu bạn không hiểu code của nó và chưa biết phải thay đổi như thế nào.... Có một cách thay đổi đơn giản là bạn vào Page Elements và click Edit của Blog Post. Một của sổ mới hiện ra, bạn có thể chọn số bài viết xuất hiện trên blog; cho xuất hiện hay ẩn đi những thành phần trong Blog post như: ngày đăng bài, tên tác giả, label...; hay di chuyển các thành phần trong Blog Post Footer. Nhưng với cách này những thay đổi sẽ rất hạn chế, nếu muốn tùy chỉnh bạn cần tác động tới code của Blog Post Widget. Code của Blog Post Widget Code dưới đây được lấy từ template Minima. Trước tiên tôi sẽ nói đến vị trí code của Blog Post sau đó sẽ hướng dẫn các bạn cách thay đổi . Để thấy đoạn code này các bạn cần đăng nhập vào Dashboard và click vào Layout. Trong Layout, bạn chọn Edit HTML. Bạn cần click vào ô Expand Widget Templates và tìm đến khu vực Main nới chứa code Blog Post Widget. (Các bạn có thể đọc thêm bài viết Vị trí các thẻ HTML trong Layout Template Các bạn tìm đến 2 dòng đầu tiên của Blog Post Widget: Ở dòng đầu tiên, 'locked=true' có nghĩa là bạn ko thể xóa bỏ Blog Post Widget Trong Page Elements. Nếu bạn muốn xóa nó trên Page Elements, bạn thay True thành False, nhưng sẽ không có bài viết nào của bạn được hiển thị. Tất cả các Widget đều có đoạn mã thứ 2 . Nội dung của Widget được thể hiện trong khu vực "includable". Mỗi một Widget đều phải có 1 "includable" cùng với id="main". " Main includable " có thể chứa phần lớn hay toàn bộ nội dung của một Widget. Đoạn mã tiếp theo :
Đây là đoạn mã bắt đầu Blog Post và "include" đầu tiên này biểu thị thông báo tình trạng. Một "include" có thể được đặt mọi nơi trong main includable. Và nó cũng có thể được đặt trong các includable với id khác trong Widget này. Dòng chữ thông báo tình trạng sẽ xuất hiện phía trên cùng của Blog Post khi bạn click vào 1 label. Ví dụ, khi bạn click vào 1 label không chứa bài viết nào, dòng thông báo sẽ hiện ra như sau: Nếu bạn không thích nó xuất hiện, bạn hãy xóa dòng thứ 3 trong đoạn mã trên là được. Đoạn mã tiếp theo quy định thời gian:

Bốn dòng đầu đầu sẽ giúp hiển thị thời gian đăng bài nếu bạn đã chọn ô ngày tháng trong Edit của Blog Post (xem hình) Hai dòng tiếp theo là những chỉ dẫn để thể hiện phần Comment trong những bài viết riêng trên Blog Post. Phần Comment sẽ không được đưa lên trang chính vì nó sẽ làm đứt quãng giữa mỗi bài viết, cũng như làm Blog Post quá dài và những người đọc sẽ phải chờ khá lâu để load hết trang của bạn. Chú ý rằng: dòng cuối cùng là thẻ kết thúc blog posts class. Navigation Links Đoạn code tiếp theo quy định các navigation link: Previous posts, Next Posts và Home. Chúng được đạt dưới cùng của Blog post. Hãy xóa dòng thứ 2 đi nếu bạn không muốn thấy chúng. Bạn có thể thay đổi chúng bằng cách thay đổi code của includable. Chúng trông như thế này dưới Blog Post của bạn: Feed Link Những đoạn code tiếp theo cho thấy các Feed link và đây cũng là những đoạn mã cuối của khu vực main includable
Feed link:"Subscribe to: Posts (Atom)" được xuất hiện ngay dưới navigation link trong Blog Post. Trên đây là toàn bộ thành phần chính trong Blog Post sẽ được thể hiện trên trang của bạn. Phần còn lại của Blog Post Widget bao gồm những đoạn code chi tiết của các include trong main includable. Navigation includable Đây là đoạn code tiếp theo trong Blog Post Widget. Bạn có thể đưa hình ảnh vào thay vì các dòng chữ:Newer Posts, Older Posts, Home nếu bạn muốn. Hãy đọc bài viết "Đưa hình ảnh vào Navigation Link" Posts includable Đoạn code dưới đây mô tả chi tiết hơn phần Post của các bạn. Bắt đầu với Post id
Tiếp theo là Post Title (tiêu đề bài viết)

Sau đó đến đoạn code của Post Body

Tiếp theo là code của POST FOOTER LINE 1:
Đây là đoạn code kết thúc khu vực Post includable, bạn có thể đưa thêm các phần tử khác như logo của bạn chẳng hạn.. vào post footer bằng cách chèn chúng ngay dưới